Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đang nỗ lực xử lý và sẽ rút kinh nghiệm trong quản lý, giám sát sau vụ 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu bảo hiểm sai quy định.
Ngày 27/5, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trả lời VnExpress về nguyên nhân, trách nhiệm, hướng xử lý sau vụ thu bảo hiểm xã hội (BHXH) sai quy định với chủ hộ kinh doanh từ năm 2003 đến 2021.
– Vì sao chủ hộ kinh doanh cá thể không nằm trong diện đóng BHXH bắt buộc mà cơ quan Bảo hiểm xã hội 54 tỉnh thành vẫn thu sai tới 18 năm?
– Hưu trí với người già bây giờ là bình thường khi hàng triệu người đang hưởng, nhưng vài chục năm trước thì rất khó. Chính sách trước đây chỉ áp dụng với công chức, lao động nhà nước, người làm công hưởng lương nên nhiều người ngoài diện này muốn tham gia để có lương hưu cũng không được.
Sau năm 1994, kinh tế dần mở cửa, các quan hệ lao động từ đây cũng phát sinh. Các hộ kinh doanh tạo ra việc làm song vẫn chưa ngang hàng với lao động khu vực nhà nước vì chưa được đóng BHXH để hưởng lương hưu. Tới năm 2003, Nghị định 01 ra đời đưa nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc, trong đó có hộ kinh doanh cá thể (chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng bắt buộc vì không có hợp đồng, không được trả lương).
Mô hình quản lý BHXH được phân ba cấp gồm trung ương, tỉnh và huyện; giao cơ quan BHXH cấp huyện trực tiếp thu. Chỉ tiêu mở rộng người tham gia lúc đó không phải là áp lực với ngành, nhưng cũng không thể xét duyệt từng hồ sơ mang đến mà người đóng tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và cơ quan BHXH sẽ hậu kiểm.
Số đông chủ hộ trực tiếp sản xuất kinh doanh vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động. Vì vậy, các chủ hộ khi lập danh sách đóng BHXH bắt buộc đã cùng đăng ký tham gia. Nhận thức của cán bộ BHXH thời ấy cũng chưa đầy đủ ở chỗ danh sách đưa lên thì cứ thế thu. Với hộ kinh doanh chỉ có một người làm chủ thì nhân viên cơ sở cho rằng đó cũng là một dạng hợp đồng lao động tự ký nên vẫn thu, trong khi lẽ ra phải báo cáo lại để kiểm tra.
Năm 2003 Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới thành lập được 8 năm, công việc bộn bề khi vừa kiện toàn bộ máy quản lý lẫn hoàn thiện chức năng để đáp ứng yêu cầu thu – chi. Công nghệ thông tin chưa đáp ứng nên việc rà soát chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng thu sai tại nhiều tỉnh thành và chậm phát hiện.
– Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết năm 2016 đã yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh dừng thu song Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận tình trạng thu sai kéo dài đến hết năm 2021. Ông lý giải thế nào về việc chậm trễ tới 5 năm?
– Năm 2016, nhận thấy tình trạng không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà lên tới 54 tỉnh thành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi cơ quan BHXH các tỉnh, giải thích rõ chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc nhóm đóng bắt buộc nên phải dừng thu. Nhưng lúc này các chủ hộ đã đóng BHXH nhiều năm và muốn hưởng lương hưu chứ không nhận lại tiền.
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có ba văn bản báo cáo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đề xuất giải quyết theo hướng chấp nhận thời gian chủ hộ tham gia, tính đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi theo quy định được hưởng lương hưu, song được trả lời không thuộc nhóm đóng nên không có căn cứ giải quyết.
Năm 2018, Trung ương ban hành Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH định hướng mở rộng diện đóng, trong đó có chủ hộ kinh doanh cá thể và một số nhóm khác thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Lộ trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội cũng đưa các nhóm này vào diện đóng bắt buộc. Vì vậy, các tỉnh vẫn thu và kéo dài tới cuối năm 2021.
– Vậy giai đoạn 2016-2021, có thêm bao nhiêu chủ hộ kinh doanh tiếp tục bị thu sai quy định?
– Thống kê đến tháng 9/2016 có 4.240 chủ hộ bị thu sai tại 54 tỉnh thành. Sau thời gian này, một bộ phận không tham gia nữa, chốt sổ và bảo lưu thời gian đóng. Có người chuyển sang đóng BHXH tự nguyện và được hệ thống ghi nhận cả thời gian đóng bắt buộc trước đó nhưng vì chính sách còn vướng mắc nên có người đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải chờ.
Ngoài ra, một số người được hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần bởi không phải tất cả chủ hộ đều bị thu sai từ năm 2003. Trước đó, họ đóng BHXH bắt buộc khi còn làm công chức nhà nước, lao động trong doanh nghiệp, xí nghiệp và sau này mới chuyển sang diện chủ hộ kinh doanh nên nếu đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện thì được hưởng lương hưu.
Như vậy đến cuối năm 2021, còn khoảng 730 chủ hộ rải rác ở các tỉnh thành vẫn đang đóng BHXH bắt buộc dù không thuộc diện đóng.
– Trường hợp Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất do việc thu sai từ phía tổ chức thực hiện chứ luật không quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xử lý ra sao?
– Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã báo cáo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đề xuất với Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương đưa chủ hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng BHXH bắt buộc và cho phép tính thời gian đã đóng để họ được hưởng chế độ theo nguyên tắc đóng – hưởng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ ban hành nghị quyết tính thời gian đã đóng bắt buộc và tự nguyện (nếu có) với chủ hộ kinh doanh.
Thực tế trước đây đã có nhóm không thuộc diện đóng vẫn được giải quyết như phó xã đội, phó trưởng công an xã, người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND xã. Vì vậy, theo tinh thần Nghị quyết 28 mở rộng nhóm đóng bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh cá thể, chúng tôi tin và mong muốn các cấp có thẩm quyền đồng ý phê duyệt để chủ hộ được cộng dồn thời gian đóng hưởng chế độ, góp phần đảm bảo an sinh. Việc thoái thu rất khó khăn, bởi địa phương phản ánh nhiều người đóng không muốn nhận lại tiền mà cần lương hưu.
– Trách nhiệm của ngành Bảo hiểm xã hội từ trung ương đến nhân viên thu cấp cơ sở thế nào khi thu sai kéo dài mà vẫn chưa xử lý dứt điểm?
– Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây đã có văn bản phê bình nghiêm khắc các địa phương thu sai và yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vì sự việc diễn ra đã lâu, nhiều nhân viên lẫn cán bộ bảo hiểm xã hội địa phương đã về hưu hoặc không còn, nên trách nhiệm giải quyết việc này giờ người đương thời đảm nhiệm. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ rút kinh nghiệm trong quản lý, giám sát việc thực hiện thu – chi tại các địa phương.
– Ông đánh giá việc thu sai tác động thế nào tới niềm tin của chủ hộ kinh doanh trong khi sắp tới Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa nhóm này vào diện đóng bắt buộc?
– Tôi cho rằng toàn ngành đang nỗ lực xử lý hậu quả và đề xuất giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Các chủ hộ có thể yên tâm đặt niềm tin, đồng hành cùng bảo hiểm xã hội trong thực hiện chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
Sau vụ này cũng phải thấy rằng đôi khi thực tiễn phát sinh trong khi cơ chế chính sách chưa đáp ứng được. Nhiều người thu nhập cao muốn tham gia BHXH nhưng luật chưa tính tới, vô tình tạo nên rào cản. Lộ trình sửa luật sau này sẽ cần tính toán mở rộng người đóng theo hướng chỉ cần có thu nhập mà không nhất thiết phải có giao kết hay hợp đồng lao động.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động. Chủ hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên khác ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc cho lao động thuê mướn, giao kết hợp đồng; còn chủ hộ kinh doanh không thuộc diện đóng bắt buộc.
Chính sách BHXH hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Hoàng Phương