Thay đổi cách thức hoạt động từ phóng viên đến Ban biên tập
Cách đây hơn 10 năm, Báo Hải Dương vẫn duy trì việc phóng viên gửi tin bài bằng bản thảo giấy. Việc biên tập thực hiện trực tiếp trên bản thảo của phóng viên nên với những bài phải sửa chữa nhiều kỹ thuật viên vi tính phải căng mắt đánh máy lại khi chế bản, thậm chí nhiều đoạn “không dịch được” phải hỏi đi, hỏi lại nhiều lần. Việc phân trang mỗi số báo in cũng thực hiện thủ công trên khổ giấy A3. Mỗi năm chi phí cho việc in bản thảo, dựng maket chiếm một khoản khá lớn.
Khắc phục hạn chế này, Báo Hải Dương đã ứng dụng tòa soạn điện tử vào quy trình xuất bản. Sau đó tiếp tục sử dụng ứng dụng Document của Google Drive để phân trang, lên maket các số báo in. Việc ứng dụng công nghệ thông tin này đã giúp giảm chi phí mua giấy in 70% so với trước; biên chế sửa morat giảm 50%. Quy trình biên tập, trình bày chế bản cũng thuận tiện hơn trước nhiều. Ngoài quy trình biên tập, xuất bản, Báo Hải Dương cũng đã sớm sử dụng phần mềm văn phòng điện tử ioffice trong quản lý, chuyển – nhận văn bản và tham gia trục liên thông văn bản quốc gia.
Cách thức làm báo, tác nghiệp báo chí cũng có sự thay đổi theo hướng đa phương tiện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương hồi đầu năm 2021 và diễn biến phức tạp trong năm 2022 đã buộc tòa soạn thay đổi cách thức làm việc để thích ứng với dịch, trong đó tăng tối đa hình thức làm việc trực tuyến. Trước khi có dịch, hình thức làm việc trực tuyến chủ yếu chỉ áp dụng đối với báo điện tử thì trong dịch Covid-19, việc này áp dụng cho cả báo in. Cùng với tòa soạn điện tử, thông qua các nhóm Zalo, bộ phận chế bản có thể làm việc tại nhà, không cần phải làm việc tập trung như trước.
Hiện nay, báo thành lập các nhóm trên Messenger, Zalo theo quy mô của cơ quan, phòng, các tổ bộ phận chuyên môn để trao đổi công việc. Phóng viên, biên tập viên có thể làm việc tại bất cứ chỗ nào có mạng internet mà không nhất thiết phải đến tòa soạn.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành tòa soạn, Báo Hải Dương đẩy mạnh phát triển báo điện tử theo hướng đa phương tiện. Nếu trước đây, thông tin trên báo điện tử chủ yếu thể hiện dưới dạng text, ảnh, video thì hiện nay đã có thêm nhiều hình thức mới như dưới dạng audio, đồ họa, các tác phẩm báo chí đa phương tiện (emagazine).
Đặc biệt, việc đưa ứng dụng tập tin âm thanh kỹ thuật số (Podcast) lên báo điện tử với các chuyên mục Điểm tin, Thời sự, Đời sống – Giải trí, Văn nghệ, Check in Hải Dương, báo Hải Dương đã có thêm đối tượng tiếp cận mới là các thính giả. Họ dễ dàng nghe và thưởng thức các sản phẩm báo chí của Báo Hải Dương hoặc vừa nghe vừa làm một công việc khác. Hiện nay Báo Hải Dương cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển các văn bản dạng text sang file audio, phục vụ bạn đọc nghe các bản tin thay vì phải dùng mắt đọc báo. Các tác phẩm đa phương tiện (emagazine) cũng được bố trí theo các chuyên mục, tạo thuận lợi cho bạn đọc.
Báo đã phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam đưa bản pdf báo in lên báo điện tử phục vụ nhu cầu xem báo Hải Dương (báo in) trên nền tảng báo điện tử; gửi pdf các số báo in cho cộng tác viên có tin bài được đăng và lưu trữ các số báo in dưới dạng file pdf phục vụ nhu cầu làm kho dữ liệu số các ấn phẩm báo in đã xuất bản.
Phát triển đa nền tảng
Hơn 10 năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, với việc xuất hiện các “nhà báo công dân” và việc phải cạnh tranh thông tin với các tờ báo trung ương, báo địa phương, Báo Hải Dương đã không ngừng thay đổi để hòa nhịp với xu thế của báo chí hiện đại. Ngoài các ấn phẩm báo in, Báo Hải Dương đã phát triển báo điện tử Hải Dương cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Với phương châm “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”, Báo Hải Dương đã xây dựng fanpage của báo trên Facebook (hiện đã được cấp thẻ tích xanh, đạt mốc hơn 100 nghìn lượt người thích, hơn 137 nghìn lượt người theo dõi), thiết lập Zalo page (đã được cấp thẻ tích vàng), kênh YouTube và Tiktok của báo.
Các kênh mạng xã hội đã góp phần đưa thông tin của báo đến với bạn đọc nhanh hơn, đặc biệt thông qua fanpage, nhiều bạn đọc cung cấp thêm thông tin cho tòa soạn, phản hồi những thông tin chưa chính xác, phản ánh nhiều vấn đề thời sự, vụ việc nóng ở các địa phương. Đây là kênh thông tin hữu ích với tờ báo, những tương tác kịp thời giữa tòa soạn và bạn đọc cũng góp phần giúp Báo Hải Dương hoàn thiện hơn. Hiện lượng bạn đọc báo điện tử Hải Dương từ các trang mạng xã hội chiếm hơn 30% tổng số lượt truy cập báo.
Báo Hải Dương cũng chủ động tạo ra các nội dung phát riêng trên nền tảng mạng xã hội Facebook như livestream một số sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế được bạn đọc dư luận quan tâm; tổ chức các chùm ảnh, đưa trước thông tin một số vụ việc về an ninh trật tự, các vụ tai nạn. Thông qua các gợi ý trên fanpage để bạn đọc cung cấp thông tin cho báo…
Với ứng dụng Zalo, bạn đọc quan tâm Báo Hải Dương sẽ nhận được các bản tin broadcast hàng ngày. Đây là những thông tin chọn lọc, tập trung vào các vấn đề thời sự, các sự kiện mới vừa diễn ra trong tỉnh và thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Từ trang Zalo, bạn đọc cũng có thể truy cập vào báo điện tử Hải Dương một cách nhanh chóng.
Không ngừng nâng cao chất lượng từng tác phẩm báo chí
Có thể nói trong nhiều năm nay tinh thần đổi mới sáng tạo đã được cán bộ phóng viên Báo Hải Dương thực hiện, việc ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chủ trương chuyển đổi số không còn là lý thuyết mà đã thấm sâu vào nhận thức và hành động. Mỗi người trong nhiệm vụ của mình đều đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, không ngừng tự học hỏi, thay đổi tư duy làm báo mới để phấn đấu vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng từng tác phẩm, cạnh tranh thông tin với các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng phát triển.
Từ chủ trương đúng đắn của ban biên tập, sự đồng lòng ở mỗi phóng viên, biên tập viên đã góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng thời cung cấp cho công chúng thông tin nhanh chóng chính xác ở nhiều nền tảng, nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số báo chí song Báo Hải Dương xác định vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Hiện nay, cơ quan Báo Hải Dương đang cùng lúc vận hành nhiều phần mềm riêng lẻ phục vụ công việc. Một số phần mềm chưa hoàn thiện dẫn đến một số khâu vẫn phải thực hiện thủ công như việc thống kê nhuận bút báo điện tử, up load tin bài từ báo in lên báo điện tử…
Đồng chí Nguyễn Quý Trọng, Tổng Biên tập Báo Hải Dương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương cho biết, để phát huy được những kết quả đã đạt được Báo Hải Dương đang xây dựng đề án xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung, tòa soạn hội tụ, phát triển báo chí đa phương tiện, số hóa dữ liệu Báo Hải Dương và mua sắm thiết bị công nghệ thông tin. Đề án đã được thông qua chủ trương đầu tư.
Báo Hải Dương sẽ xây dựng phần mềm dùng chung, tòa soạn hội tụ, tích hợp các tính năng của các phần mềm riêng lẻ đang sử dụng. Đó là tòa soạn điện tử hội tụ cả báo in và báo điện tử có thiết kế các modul phục vụ việc chấm nhuận bút, tích hợp báo điện tử với một số nền tảng mạng xã hội và một số tính năng quản lý xuất bản khác. Cùng với đó, xây dựng phần mềm quản lý quản lý văn bản, nhân sự, quảng cáo; thực hiện số hóa dữ liệu Báo Hải Dương…
Tiếp tục phát triển báo điện tử Hải Dương theo hướng đa phương tiện, tích hợp với một số nền tảng mới như: Spotify, nâng cao chất lượng kênh YouTube, Tiktok… Nâng cấp các tính năng của báo điện tử như gửi tin mới đến bạn đọc, cá nhân hóa người dùng…