(CLO) Trước thách thức bùng nổ thông tin, nhiều cơ quan báo chí đã và đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, đặc biệt là báo chí sáng tạo với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến. Bằng sự nỗ lực không ngừng tiên phong đổi mới, họ tạo ra những tác phẩm báo chí có sự sáng tạo, hấp dẫn, gần gũi thân thiện với người dùng.
Thúc đẩy cơ hội sáng tạo báo chí mới
Ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động báo chí như là một yêu cầu bắt buộc đối với nhiều cơ quan báo chí trong kỷ nguyến số. Thực tế ở trong nước đã có rất nhiều cơ quan báo chí chú trọng sản xuất các tác phẩm báo chí mang màu sắc hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng nhiều công nghệ mới khác nhau. Nhiều tác phẩm sáng tạo vượt qua yếu tố mang tính thể loại báo chí đơn thuần.
Trong vài năm trở lại đây, với sự đầu tư của một số cơ quan báo chí lớn, có thể thấy rõ hiệu quả từ việc đầu tư, chú trọng phát triển các sản phẩm báo chí sáng tạo này. Những tác phẩm báo chí sáng tạo, đặc sắc đã không chỉ tạo được dấu ấn trong nước mà còn có những thành tựu trên báo chí quốc tế.
Đơn cử như tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trong những năm qua đơn vị cũng liên tục giành các giải thưởng cho những tác phẩm phát thanh của Hiệp hội Phát thanh – Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU), các tác phẩm này đều có điểm chung là mang màu sắc sáng tạo, vượt ra ngoài phạm vi một tác phẩm phát thanh đơn thuần.
Chúng ta vẫn thường hay nói đến sáng tạo ở thể loại báo in, truyền hình nhưng thực tế phát thanh cũng có những sáng tạo rất tốt. Ở đó những sản phẩm dạng âm thanh được đưa lên nền tảng số, với các cách trình bày rất ấn tượng, công phu. Kết hợp âm thanh, hình ảnh sinh động, ngôn ngữ, chữ viết…qua đó thấy được cách tư duy mới về nội dung, những sáng tạo thể hiện ấn tượng, có tính khác biệt.
Tại Báo Nhân Dân, một trong những tờ báo hàng đầu Việt Nam về đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện nay. Với phương châm “Ở đâu có Nhân dân thì có Báo Nhân Dân”, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân được đưa lên tất cả các nền tảng số, giao diện và cách kể chuyện trở nên gần gũi với đa dạng đối tượng công chúng.
Báo Nhân Dân đang mang lại rất nhiều trải nghiệm khác nhau cho công chúng: Có thể nghe podcast những câu chuyện rất hay; Có thể khám phá nhiều thông tin chuyên sâu qua các tác phẩm báo chí dữ liệu…
Đặc biệt là các sản phẩm của báo chí sáng tạo sẽ đa dạng và rộng hơn những tác phẩm ở thể loại thông thường. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân ra mắt dự án “Mỗi người, một mảnh ghép”. Độc giả có ghép thành một bức ảnh lớn về Cột cờ Hà Nội.
Chiến dịch tuyên truyền 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/2024, Báo Nhân Dân đã xuất bản phụ san tương tác panorama đính kèm số báo in hàng ngày, gồm 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR. Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý. Ở đây có sự kết hợp khéo léo giữa báo in vào báo điện tử, báo in kết hợp với sản phẩm số, sản phẩm công nghệ, 2 loại hình sẽ quảng bá lẫn nhau.
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân Điện tử, Báo Nhân Dân cho rằng, “Các chiến dịch tuyên truyền về các sự kiện lớn của dân tộc thực sự đã tạo ra được trải nghiệm mới mẻ, thu hút sự chú ý của độc giả, đặc biệt là người trẻ, thậm chí được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao và đó là điều giúp chúng tôi nhận ra rằng mình đang đi đúng hướng trong cách làm truyền thông kiểu mới”.
Chia sẻ về kinh nghiệm để có được những thành công khi thực hiện báo chí sáng tạo, nhà báo Ngô Việt Anh cho rằng: “Chúng tôi sẽ tập hợp nhau lại, xây dựng ý tưởng sáng tạo trước một năm, ví dụ 30/4 năm nay sẽ lên kế hoạch cho 30/4 năm sau, bên cạnh đó chúng tôi sẽ phân công công việc cho nhóm dự án, người làm dự án không theo cấu trúc một ban chuyên môn nào mà theo người phù hợp với dự án đó. Mỗi dự án sẽ có nhiều hạng mục khác nhau, sau đó hoàn thiện ghép các dự án vào với nhau…và truyền thông trên mạng xã hội”.
Lan tỏa sức sáng tạo trong báo chí hiện đại
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam đã rất tích cực dẫn dắt, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí bằng việc thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, điển hình như Vietnamplus, VnExpress, Tuổi Trẻ…
Với cách tạo ra tác phẩm báo chí một cách sáng tạo để lại ấn tượng độc giả. Các hình ảnh đưa vào bài viết sinh động, người đọc có thể ấn vào từng phần trong bức ảnh là sẽ ra một loạt thông tin cần thiết. Ngoài nội dung sâu, thì cách trình bày cũng rất đột phá.
Tại Thông tấn xã Việt Nam, trong nhiều năm qua đơn vị đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra tác phẩm báo chí mang màu sắc hiện đại. Điển hình như việc khai trương trang infographics.vn, dẫn đầu xu thế báo chí dữ liệu ở Việt Nam. Đến nay, các đồ họa của TTXVN không chỉ đa dạng về nội dung lẫn hình thức, còn có tính tương tác. Nhiều thông tin đồ họa đẹp, hiện đại, không khác gì sản phẩm được đăng trên các báo hàng đầu thế giới.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus chia sẻ, nhờ công nghệ, ngày nay việc tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ, khi chúng ta có nhiều công cụ hỗ trợ trợ, đặc biệt là AI giúp sức. Các sản phẩm này được coi là báo chí thị giác, mọi thứ đều trực quan, sinh động giúp nâng cao trải nghiệm cho độc giả, cho phép nhập vai vào câu chuyện.
“Mỗi khi triển khai một tuyến đề tài đặc biệt, đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). Mà hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu…bằng một chủ đề nhưng cần cố gắng nghĩ cách nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên. Quan trọng là dám nghĩ, dám làm và học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết thêm.
Tương tự tại Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2024 cũng đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ trong việc sản xuất các chương trình truyền hình. Các sản phẩm báo chí này được Đài phân phối truyền tải trên nhiều kênh khác nhau đã mở rộng độ tiếp cận với khán giả. Tất cả đã tạo được ấn tượng với khán thính giả và có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Như tại chương trình Cà phê sáng với VTV3 mới đây, ê kíp đã tạo nhân vật trợ lý ảo ngay tại chương trình. Bất kỳ câu hỏi và thắc mắc nào của khán giả sẽ được trợ lý AI của Cà phê sáng giải đáp ngay trên livestream lúc 7h00 sáng trên Fanpage.
Hay tại chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” đầu năm 2024, nhóm sản xuất đã dùng AI vẽ lại chân dung liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng. Câu chuyện bắt đầu tại xóm Chín Chủ, xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam từng là căn cứ địa cách mạng, người dân ở đây một lòng kiên trung nuôi giấu, che chở và bảo vệ cách mạng. Nơi đây có tới 17 liệt sĩ hy sinh, 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 thương bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng có rất nhiều gia đình đến tận bây giờ vẫn chưa có một tấm ảnh thờ dành cho người thân của mình. Tại chương trình “Tết nghĩa là hy vọng” Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với một đơn vị làm dự án dùng AI để tái tạo ảnh những người liệt sĩ, người Mẹ Việt Nam anh hùng, nhờ vậy họ có cơ hội trở về đoàn tụ bên mái ấm gia đình…
Có thể khẳng định, nếu có quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm thì mọi khó khăn trong việc tạo ra các tác phẩm báo chí sáng tạo sẽ bị loại bỏ. Người đứng đầu mỗi cơ quan báo chí luôn tâm huyết, có cách làm sáng tạo thì vẫn có thể huy động được nguồn lực từ con người và công nghệ…từ đó tạo ra những sản phẩm báo chí thu hút công chúng.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-chi-sang-tao-thuc-day-co-hoi-va-bat-kip-xu-huong-cua-bao-chi-hien-dai-post327956.html