Người khuyết tật (NKT) là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần mà vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, có 3 mức độ suy giảm: khiếm khuyết, khuyết tật và tàn tật.
Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về Quyền của NKT.
Trên cơ sở quy định trong Công ước, pháp luật của các quốc gia cũng có những quy định cụ thể hơn về NKT. Nhìn chung các định nghĩa phần nhiều đều đề cập tới khả năng tham gia vào xã hội một cách trọn vẹn, sự khuyết tật không phải là chỉ sự thiếu hụt về mặt thể chất, mà còn là sự thiếu hụt trong cơ hội để hoà nhập vào xã hội.
Đến nay, Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác đã ban hành nhiều văn kiện chính trị, pháp lý nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của NKT. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) mặc dù không có những điều khoản riêng về quyền của NKT nhưng nội dung của hai công ước này đã quy định việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của mọi người nói chung, trong đó có NKT, thông qua các điều khoản quy định về không phân biệt đối xử.
Những quy định liên quan tới khuyết tật cũng được thể hiện trong một số điều ước quốc tế khác như: Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT), Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quyền trẻ em (CRC).
Ở Việt Nam, NKT được hưởng tất cả các quyền như những người bình thường, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên tình trạng khuyết tật. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng quy định những đối xử ưu đãi với NKT nhằm bù đắp những thiệt thòi của họ, cũng như để bảo đảm sự bình đẳng thực chất về các quyền và cơ hội với mọi công dân.
Hệ thống pháp luật về NKT ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về Quyền của NKT. Hệ thống đó bao gồm: Luật NKT 2010, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và một số luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Công nghệ thông tin…
Với việc ban hành Luật NKT năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về NKT, thông qua việc xây dựng 13 văn bản dưới Luật là các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NKT, có liên quan tới truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội.
Xuất phát từ nội dung pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT và những đặc thù về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của NKT nói riêng được thể hiện qua một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, pháp luật nói chung, trong đó bao gồm pháp luật về bảo đảm quyền của NKT là phương tiện cụ thể hóa chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền của NKT.
Thứ hai, pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT là chỗ dựa pháp lý để Nhà nước tổ chức bộ máy, tiến hành các hoạt động bảo đảm quyền của NKT.
Thứ ba, pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT là tiền đề, nền tảng tạo cơ sở pháp lý để con người đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ tư, pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT góp phần hiện thực hoá các điều kiện bảo đảm khác như: chính trị, kinh tế, văn hóa… Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết bảo đảm nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa các quyền con người trong thực tiễn, ngược lại bảo đảm quyền con người là điều kiện để phát triển kinh tế.
Thứ năm, pháp luật trong bảo đảm quyền của NKT là phương tiện để thực hiện sự cam kết và hòa nhập giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm việc bảo vệ quyền con người ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Việt Nam đã ký kết Công ước về quyền của NKT năm 2007 và phê chuẩn Công ước vào năm 2014, qua đó cũng thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của NKT. Điều đó cũng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với NKT..
Với tỷ lệ NKT cao so với tổng dân số, những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành cho NKT tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Những sự chia sẻ, hỗ trợ thiết thực đã đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp NKT có nghị lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng và đóng góp chung cho sự phát triển của xã hội.
Với quan điểm nhất quán và những nỗ lực mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua khi là thành viên của Công ước về quyền của người khuyết tật, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng để NKT được sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội.
Trà Khánh