Nhưng, làm gì để tạo chuyển biến mạnh về truyền thông chính sách? Để báo chí thực sự trở thành một nguồn lực hiệu quả?… Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ Thông tin & Truyền thông để làm rõ hơn về vấn đề này.
+ Thưa ông, đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong thực tiễn. Báo chí được xem như cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của báo chí trong việc tham gia vào các khâu của quy trình chính sách trong giai đoạn hiện nay?
– Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Vì vậy, để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.
Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Như vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được báo chí phản ánh; hay việc truyền thông ủng hộ lực lượng chức năng quyết liệt trong việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận ở chiều ngược lại, rất cần ở báo chí sự phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp, khoa học, trên tinh thần xây dựng, tránh hiện tượng lợi dụng phản biện để “đánh đấm”, bảo vệ cho lợi ích nhóm. Mặt khác, cần có nhiều tiếng nói của báo chí hơn nữa để phản biện, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, kích động trên không gian mạng như đang xảy ra hiện nay.
+ Theo ông, những thách thức nào mà báo chí đang phải đối mặt trong việc trở thành nguồn lực quan trọng về truyền thông chính sách?
– Đúng vậy, báo chí đang phải đối mặt với các luồng thông tin trái chiều trên truyền thông xã hội, nơi mà giới trẻ và số lượng người dùng ngày càng gia tăng. Truyền thông chính sách là việc báo chí có ý kiến tham gia xây dựng chính sách, đưa chính sách đã được ban hành đến với các tầng lớp nhân dân, truyền thông để dân hiểu, dân tin và dân thực hiện.
Cái khó là ở chỗ, cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người dân tiếp cận thông tin mạng lề trái, rồi rỉ tai, lan truyền câu chuyện khi tụ họp, rồi bán tín bán nghi. Ngay cả ở thành thị, nhiều người lớn tuổi cũng đang tiếp cận thứ thông tin “độc hại” này hằng ngày. Thế nên, trách nhiệm của báo chí trong việc đưa thông tin chính thống đến với mọi người dân, vùng miền; nói tiếng nói phản biện, xây dựng, lan tỏa chính sách sao cho dễ hiểu, dễ gần, dễ làm, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Cùng với đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; chưa có nhân lực chuyên trách làm nhiệm vụ này. Về phía mình, phóng viên theo dõi lĩnh vực cần trở thành những chuyên gia giỏi, thay vì không ít bài viết phản ánh hời hợt, nghe chỗ này, chỗ kia, chuyên gia này, nhà khoa học nọ, mà bản thân phóng viên không có kiến thức, hiểu chưa rộng, chưa sâu thì dễ bị hướng lái phản biện, có khi còn không có lợi.
Thêm nữa, báo chí có phản biện trúng, đúng nhưng cần phải được lan toả rộng, sâu thì mới có hiệu quả. Đây cũng là thách thức đòi hỏi báo chí phải chuyển đổi số nhanh để không bị tụt hậu, mất độc giả, mất nguồn thu và giảm lượng độc giả tiếp cận tiếng nói xây dựng chính sách của báo chí.
+ Theo ông, báo chí cần tận dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông mới như thế nào để tăng cường vai trò của mình trong truyền thông chính sách?
– Đúng là báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn. Với công nghệ mới thì chúng ta có thể biết ai, ở đâu, đọc gì, đọc bao lâu, quan tâm vấn đề gì nhất, và vì thế toà soạn có thể biên tập nội dung thông tin cho phù hợp mối quan tâm của người dân, có thể diễn đạt cho dễ hiểu hơn, tránh khoa học hóa vấn đề, tránh ngôn ngữ quá chuyên ngành, quá hàn lâm.
Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo có thể cá thể hóa nội dung, đẩy dữ liệu mà độc giả quan tâm. Nội dung truyền thông tốt nhưng phải được lan tỏa trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác. Chính những ý kiến phản hồi của công chúng mạng xã hội sẽ gợi mở cho báo chí những vấn đề mới, góc tiếp cận mới, để từ đó báo chí hình thành tuyến bài phản biện, xây dựng chính sách sát với thực tiễn và hiệu quả hơn.
+ Truyền thông chính sách cũng đòi hỏi sự phản ánh và giám sát của báo chí đối với quyết định và hành động của Chính phủ. Trong truyền thông chính sách rất cần sự tương tác tích cực giữa Chính phủ, báo chí và công chúng. Vậy, theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần tạo ra môi trường như thế nào để báo chí tạo dựng niềm tin và sự tương tác tích cực giữa các bên liên quan, từ đó giúp báo chí thực sự trở thành một nguồn lực hiệu quả?
– Có thể khẳng định, lực lượng báo chí của chúng ta là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ này. Nhưng trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan tỏa chính sách tới công chúng; báo chí cũng không còn là cầu nối duy nhất từ Chính phủ đến người dân. Chúng ta đều thấy, trang fanpage Chính phủ có hàng triệu lượt theo dõi mỗi khi có tin mới, thông tin nhanh hơn và số lượng theo dõi nhiều hơn rất nhiều so với lượng theo dõi tin trên báo chí ở cùng một thời điểm.
Đó chính là sự đổi mới trong cách tiếp cận công chúng, lấy hiệu quả truyền thông làm thước đo quan trọng nhất. Trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của báo chí, nhưng nay, truyền thông chính sách là việc của các cấp chính quyền. Sự thay đổi về nhận thức này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Theo đó, Chính phủ nhận định rằng, công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.
Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương phải bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách.
Truyền thông chính sách thì nhiệm vụ chính là của chính quyền chứ không phải của báo chí. Cho nên, chính quyền phải bố trí nguồn lực về con người, tài chính cho hoạt động này và phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng bộ máy vận hành, định hướng thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, lấy báo chí làm nòng cốt; sự phản biện của báo chí với chính sách của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương rất cần được tập hợp đầy đủ hơn, từ đó tiếp thu, chỉ đạo xử lý, thông tin lại để rộng đường dư luận.
Với báo chí thì cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải nêu gương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhất là việc lợi dụng phản biện chính sách để “đánh đấm”, tạo điều kiện bồi dưỡng chuyên sâu cho phóng viên theo dõi lĩnh vực; xây dựng quy trình riêng về phản biện chính sách, theo đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và tương tác với báo chí.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hường (Thực hiện)