Hoạt động liên kết để tạo doanh thu
Báo The Guardian chính thức ra mắt The Filter, một trang được mô tả là cung cấp “các bài đánh giá sản phẩm độc lập, lời khuyên mua hàng đáng tin cậy và ý tưởng mua sắm bền vững”, sau thời gian dùng thử kéo dài nhiều tháng. The Guardian cho biết The Filter là nơi giới thiệu những bài báo tiêu dùng hay nhất, đánh giá và đề xuất sản phẩm hoàn toàn độc lập.
Theo xu hướng hiện nay được thể hiện trong báo cáo của WAN-IFRA, hầu hết các tổ chức tin tức trên thế giới đều cho rằng việc tăng trưởng doanh thu từ chính độc giả, phát triển sản phẩm, tổ chức sự kiện và các nguồn doanh thu khác, mới là mô hình mà các tổ chức báo chí đang và sẽ buộc phải tiếp tục hướng tới. Tất nhiên, mỗi một tổ chức cần tìm ra cho mình những hướng đi chủ lực mới.
Điều này cũng cho thấy, bất cứ một tương lai nào của báo chí cũng sẽ phải gắn liền với nguồn thu. Chỉ khi ổn định về kinh tế, báo chí mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Và có thể dự báo rằng dù phần lớn báo chí nói chung vẫn đang dựa nhiều vào nguồn thu quảng cáo số, song tương lai việc đa dạng nguồn thu là sự tất yếu.
Trở lại với thông báo của Guardian nhấn mạnh rằng, tất cả các bài viết đều miễn phí, được viết bởi các cây bút được lựa chọn dựa trên chuyên môn, những người sẽ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm trong các tình huống thực tế, và không có nhà quảng cáo hoặc nhà bán lẻ nào phải trả tiền để được đưa vào bài viết. The Guardian sẽ kiếm được một khoản tiền hoa hồng nhỏ nếu ai đó nhấp vào liên kết trên một trong các trang và tiếp tục mua hàng hoặc đăng ký dịch vụ.
Giống như nhiều nhà xuất bản khác, họ đang sử dụng Skimlinks, công cụ đặt mã theo dõi vào các liên kết để các nhà xuất bản sử dụng để các giao dịch mua có thể được ghi nhận chính xác. Họ cũng đang sử dụng chương trình Amazon Associates cho các liên kết của trang web đó. Bên dưới dòng tên tác giả có nội dung: “Báo chí của The Guardian là độc lập. Chúng tôi sẽ kiếm được hoa hồng nếu bạn mua thứ gì đó thông qua liên kết liên kết”. Hoạt động liên kết để tạo doanh thu, “dựa trên sự tin tưởng mà chúng tôi dành cho thương hiệu”.
Tất nhiên, ngoài The Guardian, các nhà xuất bản đã phát triển các dịch vụ thương mại điện tử/liên kết trong vài năm qua, bao gồm The New York Times và Mail Online. Tờ Independent cũng nằm trong số này và mô tả thương mại điện tử là một trong năm trụ cột tăng trưởng chiến lược quan trọng và vừa tiết lộ doanh thu từ mảng này đã tăng 26%, với những điểm nhấn bao gồm Black Friday và nội dung du lịch. Thương mại điện tử cũng là một phần của chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, nhằm tránh phụ thuộc vào quảng cáo của tập đoàn truyền thông Reach, công ty cho biết những lĩnh vực này đang chứng kiến “sự tăng trưởng đầy hứa hẹn”.
Báo cáo xu hướng và dự đoán mới nhất từ Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters được công bố vào tháng 1 năm nay cũng đã liệt kê thương mại điện tử là nguồn doanh thu quan trọng thứ năm đối với các nhà xuất bản tin tức vào năm 2024. Thương mại điện tử thường là khi các trang web tự bán sản phẩm, trong khi hoạt động liên kết kinh doanh là khi các trang web quảng bá hàng hóa từ các nhà bán lẻ khác và kiếm hoa hồng khi nhấp vào.
Kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm tới tay người đọc báo?
Ở Việt Nam thì vấn đề này cũng đã được một số cơ quan báo chí thực hiện như Vnexpress, Báo Thanh Niên có những đánh giá về bất động sản, công nghệ, xe… Nhiều cơ quan báo chí truyền thông review cả các bệnh viện, phòng khám… nhưng phần lớn đều dưới hình thức như một tiểu mục nhỏ hoặc một chuỗi tin bài. Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá chia sẻ rằng Báo Vietnamnet hiện chưa làm được vì cách thức này gắn với Thương mại điện tử và khá phức tạp. Điều ông quan ngại nhất đó là tâm lý của người đọc báo và người mua hàng ở Việt Nam cũng rất khác nhau.
Cho rằng ý tưởng của Báo The Guardian rất hay nhưng dĩ nhiên chỉ là “bài toán” dành cho các cơ quan báo chí lớn hoặc các cơ quan có lượng độc giả lớn, ông Nguyễn Bá Kiên – Tổng Biên tập tạp chí Vietimes nhận định đây là một hình thức liên kết truyền thông để bán hàng nhưng điều quan trọng là phải giữ được tính độc lập, khách quan trong việc liên kết và đánh giá sản phẩm. Tất nhiên, xu hướng này hiện chưa nổi bật ở Việt Nam, một phần là bởi nó phụ thuộc vào nhân sự, bộ phận chăm sóc khách hàng chưa thực sự được đầu tư mạnh.
Phần nữa, như đánh giá của nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam), nhiều báo trên thế giới triển khai nhưng ở Việt Nam thì chưa tạo thành xu hướng vì việc thực hiện trên thực tế không dễ. Một phần là do các sàn hiện nay phát triển mạnh nên không cần truyền thông, phần nữa là vì tỷ lệ chuyển đổi từ người đọc thành người mua rất thấp. Ông Nhật cũng giới thiệu về một vài cơ quan báo chí đã và đang thực hiện cách thức này, trong đó có Vnexpress, Tạp chí Tri thức (Znews.vn)…
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của Tạp chí Tri thức (Znews.vn) – một trong những cơ quan báo chí thực hiện cách làm này từ nhiều năm nay cho rằng, điều quan trọng nhất đó là phải giữ được tính độc lập, khách quan, tách bạch giữa nhận định, review với việc quảng cáo đơn thuần để tạo sự tin cậy cho bạn đọc. Các bài viết phân tích, đánh giá sản phẩm được thể hiện dưới nhiều format khác nhau như text, ảnh, video, đồ họa. Trong đó, có phân tích rõ sản phẩm này có gì tốt, có gì chưa tốt, so sánh với những sản phẩm tương tự… Chẳng hạn như trong Mục xuất bản của Tri Thức có nhiều bài đánh giá khách quan, review các cuốn sách hay. Ở cuối mỗi bài đều có đường link liên kết với cuốn sách đó đang được trưng bày ở cửa hàng sách online để công chúng chúng dễ dàng đặt mua nếu thấy phù hợp và hài lòng về chất lượng.
Tri Thức cũng khuyến khích bạn đọc tự gửi bài viết đánh giá của họ để Tòa soạn thẩm định, đăng tải như ở cuối mỗi bài viết về sách đều có thông điệp: “Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews. Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại. Trân trọng”.
Với cách làm này, Tri Thức đã có nhiều đối tác là các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, sàn thương mại điện tử tin cậy, họ có thể liên kết để bán sản phẩm, đồng thời cũng sẵn lòng book quảng cáo ở các tiểu mục phù hợp khác bởi “điều cốt lõi là chúng tôi tôn trọng những đánh giá khách quan từ công chúng, tôn trọng công chúng và những trải nghiệm của họ…”– đại diện Tri Thức cho hay.
Có thể nói, câu chuyện tăng nguồn thu bất cứ lúc nào cũng nóng với các toà soạn tự chủ, tiến tới tự chủ và một trong những cách thức tăng nguồn thu bằng liên kết, thương mại điện tử cũng là một hướng đi nhưng không dễ dàng. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá: “Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất. Chúng ta chưa thể nào thích ứng kịp, cũng không thể có cơ chế mạng xã hội, làm thế nào chúng ta theo thế đó”.
Với lượng độc giả, thuê bao nhất định, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các cơ quan báo chí có thể tận dụng nguồn tài nguyên, để bản thân trở thành những kênh tham gia liên kết, phân phối những dịch vụ khác không xung đột với hoạt động báo chí. “Chúng ta có thể kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm đến với người xem báo. Vậy sẽ đòi hỏi người làm kinh tế báo chí hiện tại không chỉ làm nội dung mà còn phải có kiến thức về thương mại điện tử, về quảng cáo, về xu thế nguồn thu, dòng tiền đi trên không gian mạng…”, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông từng khẳng định.
Hà Vân
Nguồn: https://www.congluan.vn/lien-ket-tao-doanh-thu-nhu-the-nao-post317164.html