Bài báo hay đâu chỉ phản ánh vấn đề bất cập, hạn chế
Mùa hè cách đây 1 năm, tôi nhận được thông tin người dân xây nhà trên đất nông nghiệp tại một địa phương.
Đây là vấn đề tương đối “nóng” bởi những năm gần đây, tỉnh siết chặt quản lý đất đai. Đưa vấn đề này lên kèm theo cái tít giật gân chắc chắn sẽ có một bài viết gây chú ý dư luận.
Nhưng khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhận thấy vấn đề thực ra không nghiêm trọng như vậy.
Hộ vi phạm không phải “nhảy dù” để kiếm tiền đền bù mà là con của một hộ khi lập gia đình được bố mẹ chia cho đất ở, vì chưa hiểu hết quy định của pháp luật nên chưa làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã đã cho cán bộ kiểm tra và xác nhận vị trí xây nhà phù hợp với quy hoạch đất ở của địa phương và hỗ trợ gia đình thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bài viết sau đó của chúng tôi đề cập tới vấn đề tạo thuận lợi cho người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ý kiến của các cơ quan quản lý đất đai đã đưa ra cho địa phương này một số giải pháp giải quyết, giúp bà con ổn định cuộc sống, đồng thời Nhà nước có thêm nguồn thu.
Thời gian làm báo chưa nhiều nhưng tôi cũng nhận ra rằng viết về những góc khuất, những vấn đề tiêu cực nếu như đã có thông tin thì không khó, bởi bản thân nó đã mang đến sự tò mò, kích thích người đọc.
Viết về người tốt, việc tốt mới khó, bởi chính nhân vật không muốn nói nhiều về mình, phải viết làm sao để những việc làm bình dị của họ toát lên phẩm chất cao quý, truyền cảm hứng cho độc giả.
Làm “sạch trong đôi mắt” để tìm những giá trị tốt đẹp
Nhà báo Đinh Quốc Hồng, Trưởng Văn phòng thường trú Báo Nhân dân tại Lào Cai chia sẻ: Viết về mảnh đất và con người ở một địa danh, đặc biệt là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống luôn mang đến cho nhà báo xúc cảm đặc biệt.
Đến đó và tìm kiếm những nhân vật đặc biệt, những câu chuyện đẹp cũng là cách kiến tạo những giá trị tốt đẹp.
“Trở lại Cốc Ly” là một bài viết như thế khi nhà báo Quốc Hồng có dịp quay lại mảnh đất này sau hơn 10 năm và nhận thấy nhiều đổi thay, đặc biệt là hình ảnh đồng bào dân tộc Mông bao đời sống trên núi, sống dựa vào rừng, nay làm chủ những lồng cá thu cả trăm triệu đồng mỗi năm, rồi đóng thuyền sắt làm dịch vụ vận tải trên sông Chảy.
Những vấn đề đặt ra trong bài viết cũng là gợi ý để các địa phương vùng cao giải bài toán tạo việc làm, giữ chân lao động ở lại làm giàu quê hương. Nhà báo Quốc Hồng tâm sự: Sau khi bài viết được đăng, nhiều người ở Cốc Ly nhắn tin tâm sự rằng qua bài báo thấy thêm yêu quê hương mình hơn.
Nói thêm về vai trò kiến tạo của báo chí, theo nhà báo Quốc Hồng, trước hết, báo chí phải đưa tin khách quan, phản ánh sự thật được chọn lọc.
Điều này chính là vai trò, sứ mệnh của báo chí. Làm báo phải nắm càng sâu, càng kỹ vấn đề càng tốt, tuy nhiên, khi đưa tin, đặc biệt là những thông tin không tích cực thì phải cân nhắc đưa để làm gì.
Trong xã hội tràn ngập thông tin, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, nếu báo chí có thể nhân lên những việc làm tốt, những con người giàu lòng nhân ái thì sẽ góp phần tạo nên sự ấm áp trong xã hội.
Công việc của nhà báo là truy tìm những điều không ổn, nhưng những điều đó lại không bao giờ là toàn bộ sự thật. Thông thường thì cũng có những điểm tích cực và các giải pháp, thứ mà nhà báo cũng nên tìm kiếm.
Vai trò kiến tạo của báo chí theo nhà báo Phạm Hồng Ninh, Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Lào Cai cũng có nghĩa là báo chí phải làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội.
Là “ngân hàng tin quốc gia”, Thông tấn xã Việt Nam cung cấp tin nguồn chính thức và chính thống cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, vì vậy, các phóng viên của thông tấn xã nói chung và của cơ quan thường trú tại Lào Cai nói riêng luôn nêu cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin.
Nhà báo Phạm Hồng Ninh kể cách đây không lâu, khi một tờ báo đưa tin về vụ phá rừng ở một địa phương, sau đó được một số tờ báo khác dẫn lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Thông tin này ít nhiều gây bức xúc trong dư luận, bởi khu vực rừng được nói đến từng được coi là điển hình về công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.
Các phóng viên của thông tấn xã nói chung và của cơ quan thường trú tại Lào Cai nói riêng luôn nêu cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin.
Phóng viên thông tấn xã đã đi xác minh và nhận thấy những hình ảnh được tờ báo nọ sử dụng là gỗ chuẩn bị dựng nhà của một người dân ở bìa rừng chứ không phải hệ quả của việc phá rừng có hệ thống.
Sau đó, phóng viên thông tấn xã đã thực hiện bài viết khẳng định sự thật, đồng thời thông tin thêm về công tác bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, để người dân được hưởng lợi từ rừng mà địa phương này đang thực hiện.
Vai trò kiến tạo còn được thể hiện khi báo chí tham gia giám sát và phản biện xã hội. Điều này thể hiện ở việc báo chí giám sát quá trình thực thi chính sách để phát hiện những lỗ hổng, bất cập, từ đó giúp các cơ quan chức năng xây dựng chính sách mới.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tại tỉnh Lào Cai, nhiều xã khu vực III, khu vực II đạt chuẩn nông thôn mới được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nhận định vấn đề sẽ tác động lớn đến nhiều đối tượng, trong đó có ngành giáo dục, nhà báo Nguyễn Trọng Bảo, Văn phòng đại diện Báo Dân tộc và Phát triển tại Lào Cai đã có nhiều bài viết về những bất cập trong thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai, phỏng vấn những người trong cuộc nhằm kiến nghị giải pháp để giúp con em đồng bào các dân tộc tiếp tục tới trường. Vấn đề này sau đó cũng được nhiều tờ báo đề cập và tỉnh Lào Cai đã có nghị quyết về hỗ trợ học phí cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao còn nhiều khó khăn.
Ulrik Haagerup, tác giả cuốn Tin tức kiến tạo đã viết: “Công việc của nhà báo là truy tìm những điều không ổn, nhưng những điều đó lại không bao giờ là toàn bộ sự thật. Thông thường thì cũng có những điểm tích cực và các giải pháp, thứ mà nhà báo cũng nên tìm kiếm.
Chúng ta phải cân bằng những gì chúng ta ghi nhận, nếu chúng ta muốn sống theo trách nhiệm đối với cộng đồng. Nếu chỉ nhìn vào những vấn đề tồn tại, chúng ta sẽ đẩy mọi người vào tình thế tối tăm. Báo chí cũng cần góp phần xây dựng và tìm kiếm các giải pháp”.
Quả thật, những bài báo với tư duy phản biện và xây dựng, chỉ ra được vấn đề và tìm ra giải pháp cho vấn đề đó luôn được độc giả đón nhận và đánh giá cao.
Báo chí đồng hành với doanh nghiệp
Ông Phạm Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cơ quan báo chí của tỉnh và cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Lào Cai đã luôn đồng hành, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Qua những thông tin trên báo chí về chủ trương, chính sách, doanh nghiệp sẽ nắm để có điều chỉnh cần thiết về hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Báo chí đã kịp thời phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp như thủ tục hành chính rườm rà, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, biến động giá nguyên – nhiên liệu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, từ đó góp tiếng nói để cơ quan chức năng có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Nhấn mạnh vai trò kiến tạo của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Lương cho biết: Báo chí cần làm tốt hơn nữa việc cổ vũ, động viên đội ngũ doanh nhân Lào Cai vươn lên, đủ sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế.