Đó là những câu hỏi tưởng chừng giản đơn nhưng cũng đầy sức nặng, khiến nhiều người không khỏi giật mình tự ngẫm sau show diễn MENtal HEALth PLAYlist buổi đầu tiên của biên đạo múa John Huy Trần và nhóm UDG (Urban Dance Group).
Trải nghiệm lắng đọng đa giác quan, đa cảm xúc
“Tôi ngồi im một mình”, “đi ngủ”, “vẽ”, “nghe nhạc”, “trò chuyện”, “nhảy”. “Tôi tự hào vì có gia đình ở bên, vì đã không bỏ cuộc”. “Lần cuối tôi nói lời yêu thương khi ba còn nghe được đã lâu lắm rồi! Giờ thì tôi nói mỗi lần thắp nhang cho ba”…
Rất nhiều câu chuyện, cảm xúc chân thật và cảm động đã được sẻ chia bởi đây không chỉ là một show múa đơn thuần, mà là một ý tưởng nghệ thuật tương tác độc đáo kết hợp giữa vũ đạo, biểu diễn nhạc live, triển lãm sắp đặt và hội thảo chuyên đề hướng đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt dành cho nam giới.
Bắt nguồn từ những trải nghiệm cá nhân và hành trình vượt qua trầm cảm suốt 4 năm qua của John Huy Trần, cảm hứng của MENtal HEALth PLAYlist tạo nên một điểm chạm kết nối đến câu chuyện riêng của từng nghệ sĩ tham gia, và từ đó lan tỏa đến người thưởng thức.
Khán giả có dịp thong thả trải nghiệm phòng cảm quan với những lối đi rợp bóng cây xanh và tác phẩm sắp đặt tương tác kèm mùi hương; triển lãm nhiếp ảnh của hai nghệ sĩ Louis Wu và Arnaud Guibert;
Tác phẩm nghệ thuật của Wintercearic; hành trình vẽ tranh “tâm – thân – tâm hồn” suốt thời gian đối mặt với trầm cảm của John Huy Trần;
Những tấm thiệp để ghi lời nhắn nhủ, một show diễn múa đong đầy tâm sự của các vũ công UDG kết hợp trình chiếu tác phẩm và trình diễn nhạc live sống động…
Tất cả mở ra một không gian trải nghiệm đa giác quan, đa cảm xúc cho người tham dự. Mỗi người đều có dịp lắng đọng để nhìn sâu vào chính mình: làm thế nào để giữ sức khỏe tinh thần luôn bình an, không quên nói lời yêu thương và quan tâm những người xung quanh?
Điểm neo giữ quan trọng nhất chính là yêu thương
Trong video chia sẻ dạng nhật ký một năm đầu bị trầm cảm của John Huy Trần, có một thời điểm anh xem như đánh dấu hành trình mới.
Đó là lúc Huy chấp nhận mình có bệnh và cần được điều trị, thực sự trở thành người trong cuộc chứ không còn chỉ nghe và biết về chứng trầm cảm như trước đây.
Nối tiếp là một hành trình khốc liệt mà chỉ khi nếm trải qua, anh mới biết nó khó khăn đến đâu và đồng cảm sâu sắc với những người cũng đang trong tình huống tương tự.
Đó có thể là điểm kết thúc nếu quá cực đoan, cũng có thể là điểm khởi đầu lạc quan để được chữa lành.
Ranh giới đó được biểu trưng hóa bằng những chuỗi ghế trống trên sân khấu, hay lằn ranh chênh vênh giữa bục sân khấu và khán phòng không gian nghệ thuật 11:11 Espace.
Nỗ lực tươi tười “tôi ổn” hay chấp nhận đối thoại nội tâm? Tranh đấu neo lại hay thả mình rơi xuống? Cô lập bản thân hay mở lòng với tay nắm lấy giúp đỡ từ những người xung quanh?
Những người tạo nên MENtal HEALth PLAYlist chọn tạo nên một sân khấu gần gũi như phòng khách, mở cửa mời tất cả vào nhà để được sẻ chia, và trao nhau một lời nhắc nhở: đừng quên gìn giữ những sợi dây kết nối yêu thương!
Trong thời đại số tưởng chừng dễ dàng kết nối nhưng lại rất đỗi cô đơn hiện tại, chúng ta đều đã quen tìm cách tự “sạc pin” cho chính mình mỗi khi cạn kiệt năng lượng hoặc tự cân bằng bản thân trước những biến cố.
Nhưng khi mọi thứ đến ngưỡng không thể “tự mình chữa lành” được nữa, con người luôn cần đến nhau.
Sau tất cả, điểm neo cuối cùng, động lực mạnh mẽ nhất để mỗi người vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong đời chắn hẳn vẫn là yêu thương.
Đó sự đồng hành, động viên, yêu thương vô điều kiện bởi những người thân gần gũi nhất, bắt nguồn từ khát khao sâu kín được sẻ chia và chấp nhận những mảnh nội tâm đầy phức tạp bên trong mỗi người.
Và còn một nhắn nhủ tối quan trọng nữa: đôi khi ta chẳng có nhiều thời gian như mình tưởng, nên hãy quan tâm và san sẻ yêu thương từ ngay bây giờ!
Show diễn MENtal HEALth PLAYlist kèm các hoạt động liên quan sẽ tiếp tục mở cửa từ nay đến hết ngày 06-4 tại không gian nghệ thuật 11:11 Espace (TP.HCM).
Một số hình ảnh tại show diễn MENtal HEALth PLAYlist: