ANTD.VN – Bán hàng qua livestream không còn mới nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng vì tính hiệu quả của nó.
Các phiên livestream bán hàng có sự tham gia của người nổi tiếng thu hút hàng chục triệu lượt xem |
Khai thác tối đa kênh bán hàng livestream
Hôm nay (12-12), nhiều sàn thương mại điện tử, website bán hàng sẽ có chương trình khuyến mại lớn. Dường như đã thành thông lệ, đến ngày đôi như: 10-10; 11-11; 12-12… các shop đều giảm giá sâu cho hàng nghìn mặt hàng. Dịp này, livestream được khai thác tối đa để bán hàng.
Điển hình như Shopee- sàn thương mại điện tử (TMĐT) có thị phần số 1 tại Việt Nam hiện nay sẽ có các phiên livestream trong dịp 12-12 sale sinh nhật, vào các khung giờ: 20h ngày 11-12 và 12h ngày 12-12.
Trong khi đó, sự kiện sale 11-11 của sàn TMĐT này, các phiên livestream đã thu hút hơn 2 tỷ lượt xem. Đây là con số kỷ lục.
Hay tại tại sự kiện Online Friday 2024 do Bộ Công Thương vừa tổ chức, hơn 900 phiên livestream bán hàng đã diễn ra. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy có hơn 1,8 tỷ lượt xem các phiên livestream gắn hashtag #OnlineFriday và #TuHaoHangViet, chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop.
Livestream bán hàng đã trở nên phổ biến đến nỗi, người mua có thể gặp ở bất cứ đâu: trên các sàn TMĐT, nền tảng TikTok Shop, mạng xã hội Facebook; ứng dụng Zalo… Cùng với số lượt người xem đông đảo, livestream dường như đang trở thành công cụ tiếp cận khách hàng, tiếp cận thị trường một cách nhanh và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp mà chưa từng có phương thức thương mại truyền thống nào làm được.
Theo ông Trần Quốc Bảo- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, Giám đốc Điều hành kênh thương mại điện tử (TMĐT) E2E, bên cạnh việc phát triển kênh thương mại điện tử thì việc bán hàng qua livestream cũng cần được chú trọng, bởi đây là xu hướng chủ đạo. “Giữa việc bán hàng trực tiếp và bán hàng online, việc tiêu thụ qua các nền tảng TMĐT đã tăng đáng kể. Hình thức bán hàng online giúp giảm chi phí trung gian, tiết kiệm logistics, marketing và các chi phí khác, từ đó mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng”- đại diện Kido nói.
Vì sao bùng nổ livestream bán hàng?
Một trong những yếu tố đầu tiên khiến livestream bán hàng thu hút khách hàng chính là phối hợp với những người nổi tiếng trên mạng (KOL, KOC), hay các diễn viên, ca sĩ… để bán hàng. Sức hút từ tên tuổi của những người nổi tiếng gây sự chú ý, sự tò mò và dễ dàng tạo được lòng tin với người xem.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, KOL, KOC có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Trên thực tế, sự xuất hiện của các KOL ở mọi lĩnh vực từ làm đẹp, thời trang, nấu ăn, thể dục, chơi game, hay thương mại điện tử… trên livestream đã mang đến “làn gió mới” cho thị trường bán lẻ trong kỷ nguyên công nghệ số.
Chị Nguyễn Phương Anh – Sinh viên Trường Đại học Hà Nội, cho biết: “Em rất ấn tượng với các chương trình diễn ra Online Friday năm nay. Đặc biệt những phiên livestream của các KOL, KOC rất thu hút người mua”.
Thực tế này được thấy rõ trong phiên livestream của Quang Linh Vlog vào tối ngày 28-11 tại sự kiện OnlineFriday đạt thành công ấn tượng với hơn 24 triệu lượt xem và bán ra 31.179 đơn hàng qua nền tảng TikTok Shop. Nhiều sản phẩm nhanh chóng “cháy hàng” sau thời gian ngắn mở bán, như 498 combo 2 túi Gạo ST25 (5kg/túi) của Vua Gạo bán hết chỉ trong 10 phút, hay combo 30 đôi đũa và thớt tre thái của Tre Phương Bắc đạt tổng cộng 547 đơn hàng chỉ sau 15 phút.
Hay tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, diễn viên Xuân Bắc đã livestream bán vải thiều Lục Ngạn giúp bà con, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng tấn vải được bán đến người mua.
Theo các chuyên gia, sức hút của người nổi tiếng là yếu tố đầu tiên, nhưng sau đó, livestream còn gây sự chú ý bởi sự trực quan, sinh động, sản phẩm thường được lựa chọn thường đã được giảm giá đến mức giá tốt nhất có thể. Chưa kể, mỗi sản phẩm trong phiên livestream thường xuất hiện trong thời gian ngắn, tác động đến tâm lý người xem là phải quyết định mua ngay. Livestream cũng khiến người mua vừa được giải trí, vừa mua sắm.
Đối với doanh nghiệp, hình thức bán hàng này tiếp cận cùng lúc đông đảo khách hàng, tiết kiệm chi phí và thời gian so với việc mang hàng hóa đi giới thiệu, tiếp thị tại các cửa hàng vật lý và ngồi chờ người đến mua như trước đây.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, ở góc độ người mua, cần chú ý chất lượng, xuất xứ hàng hóa, tránh quyết định “chóng vánh” vì giá rẻ hay tâm lý không mua sẽ hết để mua được hàng chất lượng. Còn ở góc độ doanh nghiệp, người bán, cũng cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng đơn hàng ảo.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/ban-hang-qua-livestream-doanh-nghiep-dang-khai-thac-de-mo-rong-thi-truong-post598129.antd