Năm 2024 ghi nhận sự bùng nổ của livestream bán hàng. Nhiều nhà bán hàng cho biết mở rộng kênh bán hàng sẽ là chiến lược trọng tâm của năm 2025.
Năm 2024 – Năm bùng nổ livestream bán hàng
Ngày 10/1, Sapo Việt Nam cho biết đã có kết quả khảo sát từ 15.000 cơ sở kinh doanh thương mại, bán lẻ trên toàn quốc về tình hình bán lẻ hàng hóa năm 2024.
Trong đó, đáng chú ý, kết quả khảo sát cho biết năm 2024 là năm bùng nổ livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Năm 2024 ghi nhận sự bùng nổ của livestream bán hàng tại TP. Đà Nẵng |
Theo khảo sát, Facebook Live chiếm 23% và TikTok Live chiếm 18% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng đang kinh doanh đa kênh hoặc chỉ bán online. Shopee Live kém phổ biến hơn (10%), chủ yếu được sử dụng bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên bán trên sàn thương mại điện tử.
Không chỉ phát triển mạnh mẽ về số lượng, trong cách thức, tính năng bán hàng qua livestream trên các nền tảng cũng được cải thiện, đổi mới sáng tạo liên tục. Như trong năm 2024, dựa vào việc kết hợp với các nền tảng quản lý bán hàng như Sapo, Meta đã ra mắt Facebook LiveShopping – tính năng cho phép nhà bán hàng vừa phát trực tiếp vừa gắn giỏ hàng để người mua chọn sản phẩm và thanh toán nhanh chóng ngay trong phiên live.
Theo bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping, các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
Ngoài livestream bán hàng, năm 2024 tiếp tục ghi nhận bán hàng đa kênh vẫn là hình thức kinh doanh hiệu quả nhất khi 55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu – 1 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử tiếp tục tăng thị phần trong cơ cấu doanh thu thương mại bán lẻ. Thanh toán không tiền mặt hiện đã trở thành công cụ thanh toán phổ biến khi hầu hết các cơ sở kinh doanh, bán lẻ đều chấp nhận thanh toán chuyển khoản hoặc quét mã QR.
Ngoài ra, tối ưu hóa hiệu quả của áp dụng công nghệ vào bán hàng, AI (trí tuệ nhân tạo) đã trở thành công cụ phân tích dữ liệu khách hàng, tư vấn sản phẩm tự động giúp các nhà bán hàng tăng hiệu quả, tối ưu hóa chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Sapo Việt Nam đưa ra dự báo tình hình thị trường bán lẻ năm 2025 (Ảnh: Sapo Việt Nam) |
Xu hướng tăng tính trải nghiệm khi bán hàng trên nền tảng số
Trên nền tảng dư địa 66% nhà bán hàng quy mô nhỏ và vừa được khảo sát cho biết chưa sử dụng livestream, năm 2025 được dự báo thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đối với mô hình livestream bán hàng Sapo Việt Nam đưa ra khuyến nghị đến các nhà bán hàng cần đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như phải tuân thủ các quy định ngày càng chặt chẽ của các nền tảng khi phát trực tiếp.
Trong thương mại điện tử, phần nhiều các nhà bán lẻ cho biết sẽ mở rộng kênh bán hàng trên nhiều nền tảng số khác nhau bao gồm cả mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Khi các nhà bán hàng đều đã áp dụng nhiều phương thức bán hàng như nhau, thì cách thức bán hàng sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt cho nhà bán hàng. Sapo Việt Nam khuyến nghị các nhà bán hàng tăng đầu tư vào công nghệ để giảm chi phí nhân sự; song song với đó, tăng tính trải nghiệm của sản phẩm cũng như thường xuyên có các chương trình chăm sóc khách hàng như giảm giá, tặng voucher, giảm hoặc miễn chi phí vận chuyển, khuyến mại giờ vàng….để thu hút thêm khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ.
Ngoài ra, tăng hiệu quả khai thác thương mại xã hội để xây dựng thương hiệu và giảm chi phí quảng cáo.
Nguồn: https://congthuong.vn/15000-nha-ban-hang-noi-ve-xu-huong-ban-le-nam-2025-368851.html