Kể về sự tò mò với những cơn mưa và sấm sét đến đam mê trở thành kỹ sư điện, Đào Ngọc Mai Phương chinh phục ngôi trường top 40 nước Mỹ trong kỳ tuyển sinh sớm.
Đào Ngọc Mai Phương, lớp 12 Lý 2, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận tin trúng tuyển ngành Kỹ sư Điện tử, trường Kỹ thuật thuộc Đại học Tufts, hôm 15/12/2023. Với hỗ trợ tài chính 8,5 tỷ đồng, gia đình Phương chỉ còn phải đóng hơn 40.000 USD (970 triệu đồng) cho 4 năm học.
“Em thích Tufts vì đây là trường NU (National University – Viện đại học) chuyên về nghiên cứu, nhưng cũng có những nét của các trường nghệ thuật khai phóng (Liberal Arts Collge)”, Phương nói. Nữ sinh nhìn nhận hồ sơ của mình mang hai màu sắc nổi bật: kỹ sư và nghệ thuật, phù hợp với tiêu chí của trường.
Trong bộ hồ sơ ứng tuyển, Phương phải viết ba bài luận, gồm một bài luận chính và hai bài luận phụ.
“Tìm ý tưởng cho bài luận là phần khó nhất. Ứng viên phải thể hiện được con người của mình để thuyết phục nhà tuyển sinh”, Phương nhìn nhận.
Ngày nhỏ, mỗi lần có cơn mưa, em thường mở cửa sổ để quan sát. Những hạt mưa rơi xuống làm bốc lên mùi ẩm ướt của đất. Trong cơn mưa đôi khi có sấm chớp, đánh xuống đất lóe sáng và lan ra như mạng nhện. Phương thấy sấm sét như một điều thần kỳ và tò mò về hiện tượng này.
“Sau này em biết do sự chênh lệch điện áp giữa các đám mây tích điện và mặt đất nên xảy ra hiện tượng phóng điện trong khí quyển”, Phương nói.
Sinh ra trong gia đình có ông bà, bố mẹ đều là kỹ sư, Phương cũng được truyền cảm hứng và tình yêu với khoa học. Ông của Phương thích tái chế đồ nên Phương thường quan sát ông để học hỏi. Thỉnh thoảng, khi chơi lego, em được ông hướng dẫn cách lắp thêm mạch điện vào đồ chơi để nó có thể chạy được.
Vào cấp 3, Phương chọn theo chuyên Lý vì cho rằng môn học này có nhiều ứng dụng và nhìn thấy dễ dàng trong cuộc sống. Ngoài học, Phương tham gia một số nhóm nghiên cứu với các anh, chị sinh viên và bạn bè. Có lần, em làm robot sắp xếp đồ trong nhà kho, phụ trách lập trình và lắp mạch điện. Nữ sinh và các bạn đã sáng chế được dải phân cách có thể tự động di chuyển, giảm ách tắc.
“Đối với em, điện không chỉ là sự tò mò với sấm sét hồi nhỏ nữa mà nó đã lớn dần thành niềm đam mê và mong muốn được áp dụng đam mê đấy để giúp đỡ cộng đồng”, Phương viết trong bài luận. Nữ sinh chọn ngành Kỹ sư Điện tử với mong muốn tìm hiểu sâu hơn mảng vi mạch, mạch điện và robot điều khiển.
Để hoàn thành bài luận chính, nữ sinh học khóa viết luận, cùng giáo viên trau chuốt từng con chữ trong 3-4 tháng. Bù lại, Phương ưng ý vì bài luận đã thể hiện được hành trình của bản thân khi chọn ngành học này.
Trong một bài luận phụ, Phương viết về đam mê ca hát.
Trước khi vào cấp 3, nữ sinh chưa bao giờ hát trước đám đông. Vì muốn khám phá bản thân, Phương đăng ký vào câu lạc bộ âm nhạc của trường. Tại đây, em được gặp gỡ những người bạn, các anh, chị hát hay, đàn giỏi và biết chơi nhiều nhạc cụ. Ngưỡng mộ bạn bè, Phương tập luyện, rồi tham gia các vở nhạc kịch và đi biểu diễn cả trong và ngoài trường.
“Em tự tin hơn rất nhiều, không còn sợ khi đứng nói trước đông người”, Phương chia sẻ.
Nữ sinh 17 tuổi nhìn nhận những trải nghiệm giúp ích cho mình rất nhiều trong quá trình viết luận. Không chỉ liệt kê các hoạt động, Phương nêu cả những bài học mình nhận được sau mỗi trải nghiệm, cả thành công và thất bại.
Cô Trần Thị An, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Lý 2, nhận xét Phương hát hay, là giọng ca chính của Glee Ams, câu lạc bộ âm nhạc đình đám của trường. Nữ sinh hoạt động ngoại khóa sôi nổi, đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động của lớp, tham gia nhiều câu lạc bộ, sự kiện. Về học tập, Phương học tốt cả các môn tự nhiên và xã hội, nổi trội là môn Lý và từng đạt giải nhì thi học sinh giỏi cấp thành phố môn này.
“Bạn ấy hội tụ nhiều tài năng, nhưng lại khiêm tốn, ít thể hiện”, cô An nhận xét.
Từ kinh nghiệm của mình, Phương cho rằng nên lập kế hoạch càng sớm càng tốt nếu muốn du học. Ngoài hoạt động ngoại khóa, nữ sinh học các chứng chỉ chuẩn hóa như SAT và IELTS từ lớp 10. Đến cuối năm lớp 11, em đạt SAT 1520/1600, IELTS 7.5 và có điểm trung bình học tập 9,6.
Để hồ sơ thêm ấn tượng, Phương học các môn AP (dạy kiến thức cơ bản ở bậc đại học của Mỹ). Em đã hoàn thành môn Toán giải tích BC và Vật lý với điểm 5/5, đang học thêm môn Vật lý Điện với mục tiêu được miễn tín chỉ một số tín chỉ ở đại học.
Nữ sinh sẽ bay đến Mỹ nhập học vào tháng 8 tới, xác định theo đuổi con đường nghiên cứu trong tương lai.
Vnexpress.net