Hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia với công đoạn thiết kế chip, trong khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế chip, lắp rắp và kiểm định. Trong bối cảnh hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đang “để mắt” tới Việt Nam, chúng ta cần sớm hình thành hệ sinh thái bán dẫn và vi mạch để đón đầu các cơ hội này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micro Vina. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Nền tảng ban đầu
Phát biểu tại tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” ở Hà Nội hôm 7/12, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên của SIA đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon…
“Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ. Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nói.
Thực vậy, khi nói tới đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, người ta không thể không nhắc tới Intel – một trong ba nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Cách đây hơn 10 năm, Intel đã đầu tư xây dựng nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, với quy mô 1 tỷ USD. Hiện nay, nhà máy này là nơi lắp ráp và kiểm thử lớn nhất của Intel khi chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tập đoàn trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư cho dự án lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
Không chỉ có Intel, tháng 9/2023, tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành Nhà máy Sản xuất Hana Micron Vina 2 tại Khu Công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang). Đây là nhà máy thứ hai của Hana Micron. Nhà máy thứ nhất được Hana Micron hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Đây là nhà máy sản xuất chất bán dẫn và đóng gói chip đầu tiên tại miền Bắc.
Phát biểu tại sự kiện, ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron, cho biết tập đoàn dự định tăng vốn đầu tư từ 600 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 800 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Đáng chú ý, ông Choi Chang Ho khẳng định Hana Micron mong muốn phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, góp phần đa dạng các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà Việt Nam đang theo đuổi.
Chỉ một tháng sau, ngày 11/10, Tập đoàn Amkor – một công ty khởi nghiệp kinh doanh chất bán dẫn tại Hàn Quốc và Mỹ – đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam ở tỉnh Bắc Ninh. Amkor là tập đoàn hàng đầu toàn cầu về công nghệ và kỹ thuật, bí quyết trong ngành công nghiệp OSAT, với hàng nghìn sản phẩm bán dẫn đa dạng khác nhau cho các khách hàng, đối tác tin cậy trên toàn cầu. Nhà máy Amkor Technology Việt Nam, chuyên sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn, có tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD. Amkor đã cam kết sẽ nâng tổng số vốn đầu tư cho nhà máy lên 1,6 tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2035.
Ngoài Intel, Hana Micron và Amkor, Samsung đang chuẩn bị đưa dây chuyền sản xuất các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn vào hoạt động tại nhà máy ở Thái Nguyên. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghệ Năng lượng mới Runergy (Thái Lan) đã đầu tư 440 triệu USD ở Nghệ An để sản xuất các loại linh kiện bán dẫn, bao gồm thanh silic và tấm đĩa bán dẫn, còn tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) cũng muốn đầu tư một dự án linh kiện bán dẫn 400 triệu USD ở Bắc Ninh.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, hiện chỉ có Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FPT đã đầu tư vào thiết kế chip, trong khi đó khâu thiết kế, gia công, lắp ráp và thử nghiệm chip chủ yếu do các tập đoàn nước ngoài thực hiện.
Từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn
Chip bán dẫn giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra các sản phẩm và linh kiện công nghệ. Nhiệm vụ của những con chip cho phép máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ… nên chip bán dẫn không thể thiếu trong tất cả các công nghệ hiện nay.
Chip bán dẫn là linh kiện quan trọng trong các thiết bị điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN
Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc làm chủ được thiết kế chip bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất chip bởi vì, thiết kế chip chiếm khoảng 50-60% giá trị của sản phẩm chip. Cùng với sự hợp tác với các nước, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chip bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn.
Hơn thế nữa, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để đáp ứng nhu cầu đo lường của các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo chip bán dẫn trong cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chip bán dẫn.
Mặt khác, Bộ sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của của các doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, FPT, CMC… các viện, trường có nghiên cứu liên quan tới vi mạch để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn, từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển chip bán dẫn, nhất là coi trọng khâu thiết kế chip bán dẫn.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Phú Hùng tin tưởng cùng với định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với các chính sách khác mà Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm chip bán dẫn.
Trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, vào cuối tháng 10, tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt. Việc Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Phát biểu tại lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu”./.
Khánh Linh