Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM khẳng định, số ca bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng không phải do bệnh hô hấp mới.
Bác tin đồn có bệnh hô hấp mới
Tình hình gia tăng số ca bệnh hô hấp ở trẻ em trong thời điểm hiện nay không phải là một “bệnh hô hấp mới”.
Nguyên nhân chính là các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố cho thấy trẻ mắc bệnh hô hấp phổ biến thường xảy ra những tháng cuối năm.
Cụ thể, thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm đều có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu là do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô Hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… Các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút và vi khuẩn phát triển.
Theo số liệu thông kê, năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp tương đương với cùng kỳ năm 2023 và các năm trước đó.
Cụ thể, tính đến ngày 6/10/2024, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 4.693 ca (tương đương 129% so với cùng kỳ năm 2023), số bệnh nhân viêm phổi là 8.176 ca (tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm 2023).
So sánh trong vòng 5 năm từ 2019 – 2024, số lượng bệnh nhân hô hấp năm 2024 vẫn không có biến động đáng kể, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản dao động khoảng 5.000 trường hợp/năm và viêm phổi dao động khoảng 10.000 trường hợp/năm. Tình trạng cũng tương tự tại các bệnh viện có khoa nhi khác ở TP.HCM
Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng ghi nhận, trung bình mỗi tuần toàn Thành phố có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính; diễn tiến dao động theo mùa.
Những tuần có số ca viêm hô hấp thấp nhất trong khoảng thời gian tháng 2 – tháng 3 và tuần số ca bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca/tuần. Số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc toàn thành phố và có diễn tiến tương tự.
Vào thời điểm giao mùa và đặc biệt là khi bước vào mùa tựu trường, tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao do các yếu tố thời tiết biến động và sự lây lan trong môi trường lớp học.
Để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp sau:
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học: Các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cần thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp.
Tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ: Các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh.
Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
Tiêm chủng đầy đủ: Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo phụ huynh không nên quá lo lắng, thay vào đó cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và gia đình. Tình hình bệnh hô hấp tại Thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt và chưa có dấu hiệu bất thường so với các năm trước.
Để giải quyết tình trạng quá tải, ngành Y tế Thành phố tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hà Nội: Tăng giám sát, điều tra dịch tễ các bệnh truyền nhiễm
Ngành Y tế Hà Nội nhận định, một số bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà… có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới, nhất là bệnh sốt xuất huyết đang ở giai đoạn cao điểm dịch hằng năm trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngoài ra, bệnh rubella, não mô cầu, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản… có thể ghi nhận ca bệnh tản phát thời gian tới.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 27/9 đến ngày 3/10), toàn TP ghi nhận 284 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5 trường hợp so tuần trước.
Bệnh nhân phân bố tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng (35 bệnh nhân); Thanh Xuân (30 bệnh nhân); Hà Đông (25 bệnh nhân); Thanh Xuân (21 bệnh nhân); Chương Mỹ (18 bệnh nhân). Cộng dồn năm 2024 là 3.814 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 78,7% so với cùng kỳ 2023.
Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 41 trường hợp (giảm 24 trường hợp so với tuần trước). Tính lũy từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.112 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, bệnh sởi ghi nhận bốn trường hợp, trong đó có hai trường hợp chưa được tiêm chủng và hai trường hợp đã tiêm vắc xin sởi. Cộng dồn năm 2024 là 17 trường hợp.
Cụ thể, bệnh nhân nữ (10 tháng tuổi, địa chỉ Tây Hồ) tiền sử chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 15/9, khám tại Bệnh viện Medlatec, xét nghiệm IgM sởi dương tính.
Bệnh nhân nam (9 tháng tuổi, địa chỉ Đan Phượng), tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 27/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm IgM sởi dương tính.
Bệnh nhân nữ (18 tháng tuổi, địa chỉ Hà Đông) đã tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 14/9, ban ngày 15/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Bệnh nhân nữ (21 tháng tuổi, địa chỉ Nam Từ Liêm), tiền sử đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 20/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Đáng chú ý, trong tuần thành phố ghi nhận thêm ba trường hợp ho gà tại các quận, huyện: Đông Anh, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, tăng hai trường hợp so với tuần trước.
Cộng dồn năm 2024 là 236 trường hợp tại 29 quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 143 trường hợp dưới hai tháng (60,6%); 46 trường hợp từ 3 đến 12 tháng (19,5%); 20 trường hợp từ 13 đến 24 tháng (8,5%); 17 trường hợp 25-60 tháng (7,2%); 10 trường hợp trên 60 tháng (4,2%). Các dịch bệnh khác như Covid-19, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella đều không ghi nhận trong tuần.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Hà Nội có thể gia tăng nhanh thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm.
Trong khi đó, bệnh sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng, ghi nhận rải rác bệnh nhân trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ; bệnh ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Ngoài ra, bệnh rubella, não mô cầu, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản… có thể ghi nhận ca bệnh tản phát trong thời gian tới.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, nhất là không để dịch bệnh lây lan và bùng phát tại cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị ngành Y tế các địa phương tục tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine sởi của toàn bộ trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại trên động vật; triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng… Với các bệnh có vắc-xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Điều trị thành công hai ca ghép tủy đồng loại cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện điều trị thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên đối với bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Ca đầu tiên là bệnh nhi Trần Viết Th. (42 tháng tuổi, trú tại TP Đà Nẵng). Từ lúc 2 tuổi, cháu Th được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh và phải truyền máu hàng tháng tại bệnh viện.
Các bác sỹ đã xét nghiệm HLA và cho thấy kết quả cháu phù hợp hoàn toàn với chị gái ruột. Với sự hướng dẫn của GS.Lawrence Faulkner (CHLB Đức), đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ghép tủy thành công cho cháu Th.
Mặc dù gặp biến chứng xuất huyết phế nang lan tỏa hiếm gặp nhưng nhờ vào sự chăm sóc và phát hiện kịp thời của đội ngũ y tế, cháu Th đã hồi phục và hiện nay đã xuất viện, với lịch tái khám định kỳ tại bệnh viện.
Bệnh nhi thứ 2 là Phạm Lê H.V. (8 tuổi, cũng trú TP Đà Nẵng). V. được chẩn đoán tan máu bẩm sinh từ lúc 17 tháng và phải đến viện truyền máu hằng tháng từ năm 2018 tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng.
Sau khi kiểm tra, cháu phù hợp hoàn toàn với chị ruột. Vì thế cháu đã được tiến hành ghép tủy đồng loại. Quá trình ghép, cháu có bị biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt, nhưng mức độ nhiễm trùng nhẹ và nhanh chóng phục hồi.
Theo GS-TS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh tan máu bẩm sinh là nhóm gồm nhiều loại bệnh lý di truyền khác nhau có đặc điểm là không có hoặc giảm sản sinh huyết sắc tố bình thường, gây thiếu máu hồng cầu nhỏ.
Đối với các thể trung bình và nặng, bệnh nhi phải lệ thuộc truyền máu, và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, lúc trẻ đến tuổi trưởng thành, với việc thiếu máu, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất và tinh thần, bệnh nhân bị đau nhức xương nhiều do tạo máu ngoài tủy.
Phương pháp điều trị tốt nhất là ghép tủy đồng loại, đem lại một cuộc sống mới cho trẻ. Từ nay, trẻ không còn phải lệ thuộc truyền máu, khỏe mạnh và có một sự phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Thành công ghép tủy đồng loại trên các bệnh tan máu bẩm sinh không chỉ là niềm hy vọng cho các cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh, mà còn đem lại nhiều hy vọng cho các cháu mắc những căn bệnh khác cần tiến hành ghép tủy đồng loại như như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát… điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-810-bac-tin-don-co-benh-ho-hap-moi-d226820.html