Anh Trần Thắng (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) hỏi: Tôi được biết, đối với người bệnh bị viêm gan B phải dùng thuốc điều trị, việc tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn là rất quan trọng. Bác sĩ cho hỏi, việc tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B sẽ có hậu quả như thế nào?
Về vấn đề này, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Hằng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến Bệnh viện đã có biến chứng xơ gan, thậm chí ung thư gan. Mặc dù các bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lý và theo dõi định kỳ tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế, nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan…
Điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan. Bệnh viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh. Do vậy, các bệnh nhân cần được sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị viêm gan B và C hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan đối với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia.
Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để được theo dõi, quản lý và điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vaccine viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ, để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này.
Mọi thắc mắc về sức khỏe xin được gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: [email protected], [email protected]. Điện thoại: 0243.8456735. |
MAI THANH (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.