Hội nghị Vết thương châu Âu EWMA là hội nghị khoa học thường niên, lớn nhất châu Âu, quy tụ các giáo sư, chuyên gia vết thương hàng đầu thế giới. Hội nghị năm nay đã thu hút gần 5.000 người đến từ 95 quốc gia tham dự.
Bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường gia tăng
Hội nghị này đề cập 3 nội dung trọng tâm: Cập nhật hướng dẫn mới nhất trong điều trị loét bàn chân đái tháo đường. Cập nhật sự phát triển của y học tái tạo về vật liệu thay thế da thúc đẩy lành thương. Nhấn mạnh vai trò của từng thành viên, đặc biệt là điều dưỡng trong mô hình đa chuyên khoa chăm sóc chuyên sâu vết thương mạn tính (khó lành).
Trở về nước sau hội nghị này, thầy thuốc ưu tú – BS.CK2 Trần Đoàn Đạo chia sẻ: “Không chỉ Việt Nam, hiện nay trên thế giới số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng. Số người mắc bệnh đái tháo đường tăng dẫn đến tỉ lệ người bị vết loét bàn chân đái tháo đường gia tăng. Vết loét bàn chân này nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị cưa chân.”, bác sĩ Đạo nhấn mạnh.
Một bài báo cáo của một chuyên gia đến từ nước Mỹ cho biết chi phí điều trị cho vết loét của bàn chân đái tháo đường tại Mỹ gấp 8 lần chi phí điều trị bệnh ung thư”.
Quản lý vết thương mạn tính khó lành như loét bàn chân đái tháo đường, loét tĩnh mạch… cần mô hình đa chuyên khoa chuyên sâu, trong đó quản lý ngoại trú vết thương mạn tính còn gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam.
Chuyên gia này còn nhấn mạnh tâm lý sợ bị đoạn chi của hầu hết bệnh nhân đái tháo đường như một nỗi ám ảnh kéo dài khi bắt đầu xuất hiện vết loét.
Hội nghị EWMA 2024 cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của điều dưỡng trong ngành vết thương. Ở các nước phát triển, điều dưỡng được đào tạo rất bài bản về chăm sóc vết thương. Điều dưỡng là cánh tay đắc lực của bác sĩ. Nếu điều dưỡng được đào tạo tốt thì quá trình điều trị vết thương có hiệu quả hơn rất nhiều.
Tại Anh, điều dưỡng như được huấn luyện theo mô hình 7 cấp độ có thể đứng độc lập để chăm sóc vết thương cho bệnh nhân.
Tại hội nghị này, nhiều báo cáo nhấn mạnh đến sự phát triển công nghệ sinh học để nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm để tái tạo da cho bệnh nhân có vết thương. Giai đoạn cuối trong điều trị vết thương sẽ cần phải che phủ vết thương cho bệnh nhân.
Có nhiều cách để che phủ vết thương như để vết thương tự lành, ghép da, xoay vạt da, dùng những sản phẩm tái tạo để che phủ vết thương cho bệnh nhân…
Trên thế giới, hiện nay xu hướng dùng các sản phẩm từ công nghệ y học tái tạo có nguồn gốc từ màng nhau thai… để tái tạo ra sản phẩm thay thế da, có thể che phủ cho những vết thương. Dù giá thành những sản phẩm mới này còn cao nhưng trong tương lai đây sẽ là một xu thế phát triển tất yếu.
38 năm vết thương không lành được
Trong 1.200 bài báo cáo thuyết trình, 733 bài báo cáo khoa học ePoster tại Hội nghị EWMA 2024, có 2 đề tài của BS.CK2 Phan Duy Kiên cùng các cộng sự. BS Duy Kiên là diễn giả Việt Nam báo cáo chính thức tại hội nghị lớn nhất châu Âu này.
Sau thời gian vừa ứng dụng thực hành lâm sàng vừa nghiên cứu khoa học về các công nghệ điều trị loét tĩnh mạch chi dưới (VLU), bác sĩ Phan Duy Kiên cùng các cộng sự đã gửi đến Hội nghị Vết thương châu Âu 2024 hai đề tài: “Hiệu quả kết hợp nén ép, gạc foam sinh học bảo vệ mép và can thiệp tĩnh mạch trong điều trị loét tĩnh mạch chi dưới” và “Báo cáo ca lâm sàng: Ứng dụng kỹ thuật hút áp lực âm bắc cầu trong hỗ trợ điều trị loét tĩnh mạch”.
Theo đó, các kỹ thuật điều trị vết thương tiên tiến trên thế giới đã được đội ngũ bác sĩ vết thương Bernard ứng dụng thành công, chữa lành cho nhiều bệnh nhân vết thương, đặc biệt nhiều ca loét phức tạp.
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân nam 64 tuổi, bị loét tĩnh mạch 6 tháng không lành do hội chứng hậu huyết khối.
Chuyên gia vết thương Bernard nhận định ca này chưa có chỉ định can thiệp tĩnh mạch sâu do bị hội chứng hậu huyết khối nhưng có thể sử dụng kỹ thuật hút áp lực âm để thúc đẩy quá trình lành thương cho bệnh nhân bên cạnh liệu pháp nén ép để kiểm soát tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới.
30 ngày kể từ khi áp dụng hút áp lực âm bắc cầu, vết thương đã lên mô hạt nhiều hơn và sự tiết dịch được kiểm soát. Vết thương hoàn toàn lành sau 247 ngày.
Ngoài ra, chuyên gia vết thương tại Bernard còn nhấn mạnh đến việc áp dụng đồng thời nhuần nhuyễn nhiều biện pháp lành thương để tăng tốc độ lành thương thay vì chỉ sử dụng một vài biện pháp đơn thuần.
Vết thương khó lành chiếm đến 85%
Trung tâm điều trị vết thương chuyên sâu – Bàn chân đái tháo đường Bernard Wound Care tại cơ sở 22 Phan Đình Giót, quận Tân Bình TP.HCM được xem là đơn vị chuyên sâu điều trị vết thương khó lành đầu tiên tại TP.HCM, tập trung vào loét bàn chân đái tháo đường, bỏng, sẹo.
Từ ngày thành lập đến nay, Bernard tiếp nhận hơn nghìn lượt khám, điều trị vết thương; trong đó vết thương khó lành chiếm đến 85% (tỉ lệ loét bàn chân đái tháo đường chiếm hơn 50%, còn lại là những vết thương khó lành thường gặp khác như loét tĩnh mạch, loét động mạch, loét tì đè, bỏng và sẹo…). Trung tâm đã điều trị thành công, tỉ lệ lành thương đạt hơn 96%. Thời gian trung bình điều trị lành thương là 35,6 ngày. Trường hợp điều trị dài nhất 247 ngày.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bac-si-bernard-sang-anh-bao-cao-dieu-tri-vet-thuong-20240529201848748.htm