Vai, đầu gối và thắt lưng dễ bị chấn thương nghiêm trọng nếu người tập gym thực hiện không đúng tư thế.
Gym là một trong những loại hình vận động được ưa chuộng bởi đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, cải thiện vóc dáng nhanh chóng. Tuy nhiên, gym đòi hỏi kỹ thuật cao. Người tập luyện không thực hiện đúng kỹ thuật rất dễ chấn thương. Ở mức độ nghiêm trọng, chấn thương có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động lâu dài về sau.
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khớp vai, thắt lưng và đầu gối là những vị trí chấn thương thường gặp nhất khi tập gym. Những chấn thương này có thể xảy ra khi thực hiện bài tập sức mạnh, có kỹ thuật phức tạp như squat, deadlift, kéo xà… vì cần kéo giãn và căng cơ tối đa để kích thích sự phát triển của cơ bắp.
Chấn thương khớp vai thường gặp khi tập gym là tổn thương gân cơ chóp xoay, viêm gân nhị đầu và thậm chí tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
Khi thực hiện các bài tập tác động lên nhóm cơ thân trên không đúng kỹ thuật làm các nhóm sợi cơ không được kéo giãn và căng đúng cách hoặc đi sai hướng chuyển động. Điều này khiến cho các dây thần kinh bị kéo căng quá mức, dẫn đến chấn thương. Chấn thương khớp vai có khả năng cao gây mất chức năng vận động tay, người bệnh cần sớm được phẫu thuật điều trị.
Chấn thương cột sống thắt lưng thường gặp ở người tập nâng tạ. Mức tạ càng nặng, rủi ro chấn thương càng cao. Vì khi nâng tạ sai tư thế, không gồng chặt cơ trung tâm tạo áp lực lớn lên đốt sống thắt lưng L4, L5. Từ đó làm tăng nguy cơ gặp phải chấn thương đột ngột cột sống thắt lưng hoặc nặng thêm thoái hóa đĩa đệm thắt lưng vốn có.
Chấn thương khớp gối có thể xảy ra khi thực hiện bài tập mạnh thân dưới hoặc các động tác bật nhảy phức tạp, xoắn vặn mạnh. Tuy nhiên, bài tập cường độ thấp như đi bộ, đạp xe… cũng có thể tổn thương sụn chêm, sụn khớp nếu tập luyện sai tư thế hoặc quá mức. Lâu dài, người tập luyện đối mặt với tình trạng mất vững đầu gối hoặc nặng hơn là thoái hóa khớp.
Một số chấn thương đầu gối khác có thể gặp phải như tổn thương dây chằng chéo trước hoặc sau, rách sụn chêm, trật khớp gối…
Những chấn thương trong tập gym có thể xảy ra đột ngột hoặc là hậu quả của một quá trình tích tụ, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, suy giảm chức năng vận động.
Để bảo vệ cơ thể, bác sĩ Duy khuyến cáo người tập nên gồng chặt cơ trọng tâm để bảo vệ cột sống và nhóm cơ quanh thắt lưng; không khóa đầu gối trong tất cả chuyển động. Thực hiện các chuyển động có kiểm soát; nắm rõ kỹ thuật của từng bài tập trước khi thực hiện; không sử dụng mức tạ nặng vượt ngưỡng kiểm soát của cơ thể. Chế độ tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, đi khám nếu cảm thấy đau hoặc có các bất thường khác.
Hồng Phúc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |