Bỏ qua những mục tiêu mơ hồ, không thực tế, tập trung vào những chiến thắng nhỏ, có thể khiến bạn cải thiện sức khỏe và sống hạnh phúc hơn.
Đầu năm là lúc nhiều người bắt đầu thực hiện các mục tiêu sức khỏe cho năm mới của mình. Mặc dù vậy, nghiên cứu cho thấy những lời hứa tự hoàn thiện bản thân đầu năm này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
Michelle Turk, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép tại Mỹ, cho biết các mục tiêu quá nghiêm ngặt dễ khiến một người thấy bản thân còn kém cỏi, gây tổn hại đến lòng tự trọng và dẫn đến tự phê bình. Các mục tiêu quá khắt khe cũng có thể gia tăng căng thẳng và lo lắng.
“Liên tục không đạt được những mục tiêu quá khó có thể khiến một người tin rằng họ không phát triển hay thay đổi bản thân được. Nó khiến họ chán nản”, Turk nói.
Các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên về cách điều chỉnh các mục tiêu đó để đạt được thành công trong năm mới.
Bỏ những mục tiêu quá khó đạt
Theo Nicholette Leanza, cố vấn lâm sàng chuyên nghiệp tại tổ chức Sức khỏe LifeStance, không nên đặt các mục tiêu quá quyết liệt, “được ăn cả, ngã về không”.
Thay vào đó, mọi người nên đặt các mục tiêu dễ tiếp cận hơn để ăn mừng những chiến thắng nhỏ trong suốt chặng đường. Ví dụ, thay vì lên kế hoạch nhất định phải giảm một số cân cụ thể, hãy đặt mục tiêu hoạt động thể chất 20 phút mỗi ngày.
Ngoài ra, chọn một hoạt động mà bạn thực sự yêu thích và mong chờ được làm vừa giúp bạn đạt được mục tiêu về thể chất, vừa có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe tinh thần.
Turk cũng cho rằng nên tiếp cận những mục tiêu này với tư duy lành mạnh và thực tế, bằng cách coi chúng như những kim chỉ nam tới một cuộc sống cân bằng.
“Hãy tập trung vào sự tiến bộ và bao dung với bản thân. Hãy thừa nhận rằng sự tiến bộ không phải lúc nào cũng diễn ra liên tục, nhưng không có nghĩa là bạn không thể tiến tới mục tiêu của mình”, cô nói.
Bỏ các giới hạn thời gian không linh hoạt
Theo Leanza, không nhất thiết phải hoàn thành các mục tiêu ngay đầu năm. Thay vào đó, có thể thay đổi lối sống của mình dần dần nhưng nhất quán mỗi ngày. Ví dụ, thay vì cố nhịn rượu cả tháng 1 để rồi thất bại ở những tháng sau, bạn có thể học cách uống một cách chừng mực nhưng duy trì cả năm.
Turk cho biết điều quan trọng là phải linh hoạt khi thực hiện các mục tiêu.
“Hãy sẵn sàng điều chỉnh chúng khi cuộc sống phát triển theo từng năm”, cô nói.
Bỏ qua những mục tiêu mơ hồ, không thực tế
Một mục tiêu phổ biến của mọi người vào khi bước sang năm mới là trở nên “tích cực hơn”. Nhưng Leanze cảnh báo rằng mục tiêu này có thể trở nên phi thực tế.
“Phải nhận ra rằng cố gắng tỏ ra tích cực 100% là không thực tế và có thể nhanh chóng biến thành sự tích cực độc hại”, cô giải thích.
Leanze nói thêm, chấp nhận nhiều cung bậc cảm xúc, bao gồm cả những thứ không quá tích cực, là việc bình thường. Ngược lại, chối bỏ những cảm xúc này có thể rất phản tác dụng về lâu dài.
Những mục tiêu mơ hồ khác như “sống hạnh phúc hơn” cũng có thể gây ra sự thất vọng tương tự. Mặc dù đó là một ý định tốt, những mục tiêu nhỏ và cụ thể để giúp bạn đạt được mục tiêu đó sẽ hữu ích hơn.
Ví dụ, nếu bạn muốn được hạnh phúc hơn, hãy lên kế hoạch cho những việc cụ thể để mang lại niềm vui, như “tự chăm sóc bản thân 10 phút mỗi ngày”, hay “tập thể dục trong 20 phút, 3 ngày một tuần”, theo khuyến nghị của Turk.
Một cách tiếp cận khác là chia các mục tiêu lớn hơn thành các bước nhỏ, dễ quản lý hơn.
“Ví dụ, nếu bạn muốn bắt đầu một sở thích mới, hãy chia nó thành các bước: nghiên cứu, mua đồ dùng và dành thời gian thực hành mỗi tuần”, Turk gợi ý. Cách tiếp cận này có thể làm cho mục tiêu của chúng ta bớt xa vời hơn.
Khánh Linh (Theo CBS News)