Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến không còn là người đại diện pháp luật của Tân Tạo (ITA)
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) vừa công bố thông tin về thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là việc bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch HĐQT của Tân Tạo không còn là người đại diện pháp luật của công ty từ ngày 10/6/2023.
Việc Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến không còn là người đại diện công ty diễn ra ngay sau khi em ruột của bà Yến, ông Đặng Quang Hạnh, người giữ chức vụ Tổng giám đốc của Tân Tạo cũng đã từ nhiệm từ tháng 4 năm 2023.
Người được bổ nhiệm thay thế cho ông Đặng Quang Hạnh là ông Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1976, từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại Tân Tạo trong 4 năm.
Tân Tạo 2 năm liền thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, chỉ vừa ghi nhận lãi “mỏng” trong Quý 1
Việc thay đổi đăng ký kinh doanh, bỏ tên người đại diện pháp luật là Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến diễn ra ngay trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Tân Tạo ITA đang có khá nhiều điều bất ổn.
Cụ thể thì ngay trong Quý 4 năm 2022, Tân Tạo đã phải ghi nhận doanh thu âm tới 2.033 tỷ đồng. Từ đó, lợi nhuận gộp trong quý cũng ghi nhận lỗ 423 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là âm 330 tỷ đồng.
Sở dĩ Tân Tạo có tình trạng doanh thu âm tới hơn 2.033 tỷ đồng là bởi công ty đã buộc phải thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn dùng để xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương số 2804/HĐKT-10 ngày 28/4/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 2804/PLHĐKT-12 ngày 17/7/2012. Hai văn bản này được ký giữa CTCP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) và CTCP Phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC).
Việc thanh lý sớm hợp đồng này đã dẫn tới doanh thu của công ty bị giảm trừ tới 2.142 tỷ đồng, tạo nên tình trạng doanh thu âm cùng khoản lỗ khổng lồ tới 330 tỷ đồng trong Quý 4 năm 2022.
Trên thực tế thì nếu không tính khoản giảm trừ doanh thu này, trong năm 2022, Tân Tạo cũng chỉ đạt được 577 tỷ đồng doanh thu, giảm khoảng 38,1% so với thực hiện năm 2021. Đồng nghĩa với việc nếu không phải thanh lý hợp đồng sớm, Tân Tạo vẫn đang kinh doanh kém hiệu quả hơn so với năm trước đó.
Bước sang Quý 1 năm 2023, Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần đạt 62 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị chỉ đạt 15 tỷ đồng, mức tương đối thấp nếu so sánh với các quý có lãi trước đó của công ty.
2.119 tỷ đồng tài sản của Tân Tạo mới nằm trên giấy tờ, chờ thu từ các công ty liên quan trong hệ sinh thái
Vướng phải khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong Quý 4, năm 2022 Tân Tạo lỗ 258 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2021, doanh nghiệp này cũng lỗ tới 404 tỷ đồng. Thế nhưng vừa qua, công ty vẫn đặt mục tiêu năm 2023 tương đối tham vọng.
Cụ thể thì công ty dự kiến có lãi trong năm 2023 với doanh thu là 774 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 257 tỷ đồng. Công ty dự định thực hiện dầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Tạo – Long An với quy mô khoảng 414,7 ha nằm tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Tính tới thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Tân Tạo ITA đạt 12.313 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Điều đáng chú ý đó là các khoản phải thu dài hạn tăng rất mạnh, từ chỉ hơn 8 tỷ đồng cuối năm 2022 lên tới 2.119 tỷ đồng tại cuối Quý 1 năm 2023.
Trong khi đó phải thu ngắn hạn giảm mạnh từ 3.687 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.644 tỷ đồng. Theo thuyết minh số 21 trên BCTC của Tân Tạo thì nguồn Phải thu khác lên tới hơn 2.119 tỷ đồng này chủ yếu đến từ các công ty con mà Tân Tạo đang là Đồng thành viên quản lý.
Cụ thể thì Tân Tạo ghi nhận phải thu 1.253 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo; phải thu 677 tỷ đồng từ CTCP Đại học Tân Tạo; phải thu 231 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Nghiên cứu & Xuất khẩu Gạo Thươm ITA – RICE; phải thu 177 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư Tin học & Tư vấn Xây dựng Phương Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng hơn 2.119 tỷ đồng tài sản dài hạn của Tân Tạo mới chỉ đang nằm trên giấy tờ và đều là các khoản phải thu từ các bên liên quan cùng công ty mà Tân Tạo đang là đồng thành viên quản lý.