Phú YênNuôi H’Ngọc Lan từ lúc một tuổi, đến nay bà H’Chắc (72 tuổi) đứng trước cảnh không thể lao động để lo cho cháu trước căn bệnh đau chân kéo dài
Ngày đầu tháng 5, cô Võ Thị Nguyệt Thu, hiệu trưởng trường mầm non xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), như thường lệ vẫn vẫn chuẩn bị một thùng mì tôm, một ít thực phẩm mang qua cho em H’Ngọc Lan (4 tuổi) ở thôn Nguyên Xuân. Nghe tiếng cô giáo gọi, em Lan cùng bà nội chạy ra, vui vẻ nhận phần quà và không quên lời cảm ơn.
Năm 2019, khi Lan được hơn một tuổi, bố mẹ em nảy sinh mâu thuẫn nên hai người bỏ nhau. Mẹ của Lan, vì cuộc sống gia đình thời điểm đó quá cơ cực, không chịu được áp lực nên bỏ đi, đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Bố bé suốt ngày đắm chìm trong rượu nên không thể chăm sóc được Lan. Thương cháu, bà H’Chắc đưa cháu về nuôi cho tới tận bây giờ.
Dù cuộc sống vất vả và bệnh tật thường xuyên, nhưng bà H’Chắc vẫn đi làm cỏ, chặt mía thuê để kiếm thêm thu nhập, có lúc thiếu thốn, bà nói “ai nhờ gì bà đều làm hết”. Bà kể, những ngày đi làm thuê có ngày kiếm được 20.000-30.000 đồng, lúc người ta thương thì cũng có thể kiếm được 50.000 đồng. Số tiền đó cũng đủ cho hai bà cháu mua một ít gạo, trứng để ăn qua bữa.
Năm ngoái, chân bà bắt đầu đau nhức, đi lại khó khăn, bà không thể lao động như trước, có tháng hoàn toàn sống vào sự giúp đỡ của hàng xóm. Cuộc sống chỉ dựa vào đám rau sau nhà. Thi thoảng có mạnh thường quân, các đơn vị thiện nguyện đến hỗ trợ nên có lúc bà cũng tiết kiệm được ít tiền mỗi tháng, số tiền này để dành cho việc học của cháu gái.
“Bà cũng gắng gom góp để bé Lan được học đến nơi đến chốn, không biết có lo được cho cháu đến lúc trưởng thành không nữa”, bà Chắc lo lắng nói. Đến nay, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho em Lan đi học mầm non. Nhiều cô giáo cũng hỗ trợ trong việc đóng học phí, để em có thể đến trường.
Nhiều năm qua, bà Lan và cháu sống trong căn nhà nhà được chắp vá tạm bợ bằng ván gỗ cũ, rộng khoảng hơn 17 m2, nhiều chỗ bị mục nát. Bên trong nhà chỉ có một khu bếp nhỏ được xếp sơ sài. Vật dụng giá trị nhất trong nhà của bà Chắc là một chiếc bóng đèn và giường sắt được hàng xóm cho vài tháng trước. Những ngày mưa gió, hai bà cháu thường qua nhà hàng xóm trú tạm vì dột và nhiều chỗ hư hỏng nặng.
Từ ngày bà H’Chắc đau chân, bà không thể đưa cháu đi học được nữa. Bé Lan phải đi học nhờ xe của hàng xóm mỗi ngày. Bà cho biết may mắn là từ nhà đến trường khoảng hơn 5 km nên việc đến trường của cháu mới đỡ vất vả hơn phần nào.
“Lan được các thầy cô trên trường đánh giá là ngoan ngoãn, biết vâng lời. Dù sống với bà nội nhưng em chưa một lần khóc đòi bố mẹ nên tôi cũng rất yên tâm”, bà H’Chắc cho hay.
Ông Ma Nghĩa, Chủ tịch thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, cho biết thôn là một trong những khu vực khó khăn của địa phương. Tại thôn có 217 hộ, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, phần lớn đều làm nông nghiệp như trồng mía, sắn.
“Gia đình bà H’Chắc là một trong những hộ khó khăn nhất trong thôn. Dù có con nhưng bà sống một mình trong thời gian dài, con cái không thể nhờ vả được. Nay bà càng già yếu, không thể lao động được nhiều. Ước mong duy nhất của bà là mong cháu gái có sách vở để học tập trong thời gian tới”, ông Nghĩa nói.
Bùi Toàn