(VLO) Nhờ có chính sách hỗ trợ thiết thực, Cơ sở sản xuất trà thảo dược Võ Dũng (TT Trà Ôn, huyện Trà Ôn) đã được chương trình khuyến công hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Theo đó, sự hỗ trợ đúng lúc, kịp thời và cần thiết của khuyến công đã giúp cơ sở tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm trên thị trường.
Góp phần đa dạng sản phẩm, phát triển thương hiệu trà
Hiện nay khi đời sống ngày càng phát triển, vấn đề sức khỏe luôn được quan tâm. Khoa học hiện đại vẫn khuyến khích sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như các loại thảo dược, thảo mộc. Những thực phẩm này không những là thực phẩm đơn thuần mà còn có tác dụng phòng và chữa bệnh.
Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trà túi lọc” giúp cơ sở tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. |
Trong đó, trà thảo dược là loại nước uống đã được sử dụng nhiều ở nước ta dưới dạng khác nhau như: khô, hòa tan, túi lọc. Trên thị trường hiện nay, đang có khuynh hướng sử dụng trà thảo dược túi lọc thay cho các loại nước uống khác. Trà thảo dược túi lọc đã góp phần không nhỏ trong việc phòng và chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nắm bắt xu thế thị trường này và mong muốn tạo ra sản phẩm trà chất lượng, anh Võ Văn Dũng- chủ Cơ sở sản xuất trà thảo dược Võ Dũng (TT Trà Ôn, huyện Trà Ôn) đã mạnh dạn đi theo con đường nghiên cứu tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Có nhiều năm gắn bó với ngành y và nhận thấy nhiều cây, cỏ là nguồn dược liệu quý có thể chữa được nhiều chứng bệnh, nên anh Dũng đã tạo ra sản phẩm trà hoa sâm, trà gừng đen và được nhiều người tiêu dùng tin dùng.
“Tôi mong muốn sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương, chế biến thành các sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe người dùng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên tôi đã làm ra sản phẩm trà sâm Võ Dũng.
Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch không quá dài, cụ thể từ tháng thứ 2 có thể hái hoa và đến tháng thứ 8 là củ đạt tiêu chuẩn. Nhờ được thị trường đón nhận, hiện, sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh kênh tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hiện sản phẩm đã có mặt trên các trang thương mại điện tử, như Shoppee, Lazada, sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương Vĩnh Long,…” - anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, tiềm năng phát triển của mô hình sản xuất này rất lớn vì hiện nay xu hướng người tiêu dùng chuộng các sản phẩm sạch, an toàn.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu “cây nhà lá vườn” của gia đình anh được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân thuốc hóa học và cả hoa, lá và củ của cây sâm bố chính đều tận dụng được.
Do đó, anh Dũng đã mạnh dạn đầu tư máy đóng gói trà túi lọc 5 in1; máy nghiền thảo dược, dược liệu dạng búa đập; máy sấy lạnh VinaSấy để sản xuất hiệu quả trà thảo dược túi lọc để đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển vào ngân sách địa phương.
Và với sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) thông qua việc triển khai đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trà túi lọc” là hết sức cần thiết và thiết thực để giúp cơ sở tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo đó, các thiết bị máy móc đầu tư trị giá 362,6 triệu đồng, trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024, Trung tâm đã hỗ trợ cho cơ sở 160,5 triệu đồng, phần còn lại do cơ sở đối ứng.
Anh Dũng chia sẻ: “Nguồn hỗ trợ có ý nghĩa rất lớn với cơ sở. Do chủ động máy móc sản xuất, sản phẩm trà của chúng tôi luôn bảo đảm chất lượng, được công nhận sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng hơn. Nhờ đó mà tôi an tâm phát triển sản xuất”.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở phát triển
Để mở rộng sản xuất, ngoài những thiết bị được hỗ trợ, anh Dũng cũng mạnh dạn trong việc tự đầu tư, thử nghiệm một số máy móc thiết bị mới trong quy trình chế biến, xử lý trà và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Định hướng phát triển thời gian tới, anh Dũng cho biết, khi có đầu ra ổn định cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, diện tích và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng kém hiệu quả, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương.
Đồng thời, cơ sở sẽ tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại và tăng cường bán hàng qua Zalo, Facebook, trang Website,… để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, nghiên cứu, tìm tòi sản xuất sản phẩm mới để đa dạng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Theo y học cổ truyền, sâm bố chính có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Cơ sở Sản xuất trà thảo dược Võ Dũng cũng đã tâm huyết tạo ra sản phẩm này. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp phát triển vùng nguyên liệu sâm, để cơ sở tăng sản lượng sản xuất. Qua đó, cũng giải quyết việc làm cho người dân ở huyện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), việc nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trà túi lọc” không chỉ đánh giá hiệu quả của chương trình hỗ trợ mà còn khẳng định sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Chủ động máy móc sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm trà Võ Dũng ngày mở rộng. |
Đây là bước tiến quan trọng giúp cơ sở trà sâm Võ Dũng nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Đồng thời, việc triển khai thực hiện đề án cũng minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững.
Không chỉ riêng hộ kinh doanh Võ Dũng, mà việc triển khai công tác khuyến công các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, HTX cũng đã tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nói chung thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động tại nông thôn.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh thị trường.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn khuyến công đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn, Trung tâm cũng đã thực hiện khảo sát, đánh giá những đơn vị sản xuất có hướng phát triển lâu dài, tiêu thụ nông sản địa phương để hỗ trợ, tăng tính hiệu quả và có giá trị cộng đồng.
Trong đó, ưu tiên các cơ sở sản xuất sản phẩm mới, có tiềm năng phát triển gắn với các sản phẩm đặc sản địa phương. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát các doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản địa phương; nghiên cứu thị trường để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp sát thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202502/hoat-dong-ho-tro-khuyen-cong-gop-phan-nang-cao-gia-tri-san-pham-tra-tui-loc-96e08b7/
تعليق (0)