APEC tạo tiền đề để Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tham gia những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết lớn hơn, như WTO hay các FTA thế hệ mới.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoi SME) chia sẻ như vậy với phóng viên TG&VN về những kết quả nổi bật mà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mang lại cho Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoi SME). (Nguồn: Hanoisme) |
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, APEC mang đến những tiềm năng và cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cơ chế APEC?
Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương.
Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh và hợp tác kinh tế – kỹ thuật. Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động.
Việt Nam tham gia APEC và thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp với các cam kết quốc tế.
Vì vậy, APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết lớn hơn như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các FTA thế hệ mới.
APEC cũng hỗ trợ các doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – trong tiếp cận thị trường, thụ hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.
Do vậy, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phải tự đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu, danh mục sản phẩm xuất nhập khẩu ngày một tăng; cán cân thương mại được phù hợp giữa xuất và nhập khẩu.
Là thành viên APEC, Việt Nam được hưởng những hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Một trong ba trụ cột chính của APEC là hợp tác kinh tế – kỹ thuật. APEC hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển nâng cao năng lực cải cách kinh tế và hội nhập khu vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển.
Việc triển khai các cam kết, đồng bộ hóa chính sách, cùng các dự án hỗ trợ của APEC đã góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập. Các chương trình hợp tác về tăng cường trao đổi sinh viên, thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân… đem lại nhiều cơ hội lớn đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tương lai và cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên khi tham gia APEC là gì, thưa ông?
Tham gia APEC và thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp với các cam kết quốc tế.
APEC tạo tiền đề để Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết hơn như WTO, các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cơ chế này cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp thu hút đầu tư và tham gia chuối giá trị toàn cầu, là cơ hội để Chính phủ ban hành chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhất là về vốn, đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại, xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết theo chuỗi giá trị để liên kết ngành cùng hỗ trợ nhau phát triển. Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP) |
Để có thể tham gia, tận dụng tốt hơn cơ hội từ cơ chế hợp tác này, theo ông, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì?
Trong một thế giới siêu kết nối, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là một trung tâm phát triển của thế giới. Bước sang thập kỷ phát triển thứ tư, trước những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của cục diện thế giới và khu vực, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, APEC đang chuyển mình căn bản, ngày càng mở rộng nội hàm hợp tác theo hướng thiết thực hơn, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Sau hơn 30 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Châu Á – Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng điểm trong triển khai chủ trương đối ngoại của nước ta trong thời kỳ mới.
Để đáp ứng xu thế của khu vực và thế giới, theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp việt Nam cần đoàn kết theo chuỗi giá trị để liên kết ngành cùng hỗ trợ nhau phát triển. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại và đổi mới công nghệ quốc gia, tạo nhiều hội chợ công nghệ để doanh nghiệp nắm bắt được thị hiếu của thị trường đáp ứng nhà xuất khẩu khi đến Việt Nam.
Về phía Hanoi SME, Hiệp hội đã và đang làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong APEC nói riêng và trên thế giới nói chung?
Hiệp hội chúng tôi ký kết hợp tác với các hiệp hội một số nước trên thế giới và khu vực. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Tham tán thương mại các nước tại Việt Nam, thông qua Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để tìm hiểu những thị trường mới nổi, nhất là quy cách hàng hóa, thị hiếu người tiêu dùng cũng như văn hóa sử dụng mẫu mã sản phẩm, tìm hiểu các quy định về rào cản kỹ thuật, qua đó, tránh những sai sót trong quá trình xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức các chương trình kết nối trực tuyến với các nước không có điều kiện tham quan trực tiếp. Qua các Tham tán thương mại các nước, chúng tôi nắm bắt được nhiều đơn hàng, quy cách thanh toán và những bài học trong thương trường.
Xin cảm ơn ông!