Ngồi ăn cùng người bị bệnh dạ dày có bị lây vi khuẩn không, ví dụ cùng chấm bát nước mắm hay gắp chung đũa? (Mai, 29 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh lý dạ dày là vi khuẩn HP, theo đó 70-80% dân số có vi khuẩn HP trong dạ dày. Vi khuẩn này gây loét dạ dày, hành tá tràng và là tác nhân nguy cơ ung thư dạ dày. HP vào cơ thể con người theo ba đường: từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước, từ người sang người.
HP có thể bị lây nhiễm qua đường nước bọt nên việc dùng chung đũa bát hoàn toàn có nguy cơ. Đây cũng là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của vi khuẩn này. Ngoài ra, chấm chung đĩa gia vị cũng có thể nhiễm HP.
Con đường khác là dùng chung bàn chải đánh răng, cốc nước hoặc qua việc tiếp xúc gần như hôn, trò chuyện khiến nước bọt bắn ra. Trường hợp sử dụng cụ y tế không được vệ sinh, khử trùng sạch khi thăm khám có tiếp xúc răng miệng của người bệnh cũng có thể lây bệnh.
Theo thống kê, khoảng 1% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Người bệnh nhiễm khuẩn HP diễn tiến đau dạ dày thường có một số triệu chứng như ợ hơi, đau bụng nhiều lần, thường xuyên có cảm giác no, đầy hơi, buồn nôn…
Để phát hiện có vi khuẩn HP hay không, người nghi ngờ cần xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test qua hơi thở hoặc làm sinh thiết.
Bác sĩ Hà Hải Nam – Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội)