Tôi nghe nói ăn nhiều cơm rượu sẽ bị say và làm đau dạ dày, xin bác sĩ tư vấn? (Hà, 34 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Rượu nếp, hay còn gọi cơm rượu mới được ủ lên men, có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Cơm rượu màu vàng và đen khác nhau về loại gạo. Cơm gạo màu vàng là dùng nếp cái hoa vàng (nguyên cám) để nấu thành cơm và ủ lên men, còn cơm rượu màu đen là dùng gạo nếp cẩm để nấu và ủ. Mỗi loại gạo có giá trị dinh dưỡng khác nhau, nếu chỉ dùng ít, mọi người có thể dùng theo sở thích.
Nhiều nghiên cứu chứng minh cơm rượu rất tốt cho tiêu hóa, tim mạch và giúp hạ cholesterol máu. Nếp cẩm còn chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa anthocyanin – một chất có khả năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch. Trong gạo nếp, nhất là nếp cẩm, cũng chứa hàm lượng sắt khá cao, do vậy nếu ăn nếp cẩm thường xuyên cũng phòng được bệnh thiếu sắt. Đặc biệt, các chất xơ và axit trong cơm rượu hỗ trợ ngăn ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu, cải thiện tiêu hóa.
Khả năng gây say của cơm rượu thấp do hàm lượng cồn trong thực phẩm này ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, mọi người không sử dụng nhiều, mỗi lần nên tiêu thụ 80-100 g cả nước lẫn cái. Mọi người chỉ nên sử dụng cơm rượu ủ trong khoảng ba ngày vì thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn, khi ăn có thể bị say hoặc đối mặt nguy cơ vi phạm luật giao thông bởi có lượng cồn trong hơi thở.
Ngoài ra, tránh ăn cơm rượu nếp khi bụng đói do vị chua của món ăn dễ làm tăng axit khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng, tăng nguy cơ ợ hơi, ợ chua, viêm loét dạ dày.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia