Ăn nhiều bông cải xanh, thực phẩm giàu probiotic, hạn chế thức ăn mặn, góp phần giảm tác động tiêu cực của vi khuẩn HP đến dạ dày.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) trong dạ dày tồn tại và phát triển nhờ khả năng trung hòa axit dạ dày. Chúng có thể sống cộng sinh trong dạ dày mà không gây hại trong thời gian dài hoặc tấn công làm tổn thương niêm mạc, gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HP cao. Bệnh dễ lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường miệng khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh, qua dịch dạ dày, răng miệng. Các thói quen sinh hoạt như rửa tay không kỹ sau khi đi vệ sinh, tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, dùng nguồn nước không đảm bảo, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HP.
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị HP chính, song chế độ ăn uống cũng góp phần tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tránh ăn thực phẩm quá mặn và béo
Thực phẩm giàu chất béo từ những nguồn không lành mạnh làm thay đổi tính chất lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày, tạo điều kiện cho vi khuẩn HP xâm nhập vào lớp niêm mạc, tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
Chế độ ăn nhiều muối cũng kích hoạt hoạt động của gene khiến vi khuẩn HP hoạt động mạnh, làm viêm và lan rộng các tổn thương dạ dày.
Người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau củ, hạn chế đồ chiên, đồ đông lạnh, đồ hộp, thịt chế biến sẵn, các chế phẩm từ sữa nguyên kem, các loại hạt tẩm muối…
Hạn chế rượu, bia, cà phê thuốc lá
Trong khi dùng thuốc điều trị HP, người bệnh không nên dùng nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu, đồ uống chứa caffein như chocolate, cà phê, trà đen, hút thuốc lá. Những chất này làm tăng sản xuất axit dịch vị, kích ứng niêm mạc, gây ra các cơn đau nóng rát khó chịu đồng thời giảm tác dụng của thuốc.
Trà xanh và nước ép bắp cải chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng kiểm soát các gốc tự do, giảm vi khuẩn HP hoạt động và sinh sôi. Khả năng chống viêm tốt của trà xanh góp phần làm dịu dạ dày, thúc đẩy quá trình hồi phục tổn thương.
Bổ sung thực phẩm giàu probiotic
Probiotic là các lợi khuẩn giúp duy trì cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong đường ruột, giảm viêm nhiễm, tăng cường miễn dịch. Thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, trà kombucha, kefir, súp miso…
Ăn nhiều bông cải xanh
Probiotic là vi khuẩn có lợi, còn prebiotic là thức ăn cho những vi khuẩn này. Bông cải xanh cung cấp dồi dào prebiotic, hỗ trợ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn HP gây ra. Bông cải xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm cả axit folic có lợi cho người viêm loét dạ dày và phụ nữ mang thai.
Uống nhiều nước sạch
Nước trung hòa dịch dạ dày, mỗi người nên uống khoảng hai lít nước mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Đảm bảo nguồn nước an toàn, có chất lượng.
Bác sĩ Khanh cho biết nhiễm vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày tá tràng và một số ít người sau đó có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Mọi người nên chủ động phòng tránh và điều trị vi khuẩn HP, nhất là trường hợp có tiền sử gia đình như bố mẹ anh em ruột bị ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn HP được điều trị sớm, hiệu quả cao hơn và tránh được biến chứng lâu dài.
Vi khuẩn HP thường chỉ được phát hiện thông qua thăm khám, thực hiện các phương pháp xét nghiệm khi có bệnh về đường tiêu hóa.
Phương pháp xâm lấn sử dụng nội soi dạ dày, tá tràng để đánh giá tình trạng tổn thương niêm mạc, sau đó sinh thiết hai mẫu mô để tiến hành test urease nhanh, làm sinh thiết mô bệnh học hoặc nuôi cấy vi khuẩn.
Tiến sĩ Khanh cho biết hương pháp không xâm lấn bao gồm ba cách là test hơi thở, xét nghiệm phân và xét nghiệm máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu không thể biết được có nhiễm HP trong quá khứ nay đã khỏi hay hiện tại còn nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn HP khỏi cơ thể. Các trường hợp vi khuẩn không phát triển gây hại, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày thì không cần thiết xét nghiệm.
Việc tìm vi khuẩn HP chỉ áp dụng ở những trường hợp có triệu chứng hoặc có tiền sử gia đình liên quan và được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng thuốc điều trị HP có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như cảm giác buồn nôn, nôn, rối loạn đi tiêu, mệt mỏi, khó ngủ.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |