Tôi kết hôn lúc 39 tuổi, một năm nay chưa có con. Tôi đi khám, kết quả ít trứng, chất lượng trứng kém, được bác sĩ chỉ định thụ tinh ống nghiệm, gom phôi ba chu kỳ.
Chế độ ăn uống có thể giúp tăng chất lượng trứng để tăng khả năng có con không? (Ngọc Vân, Khánh Hòa)
Trả lời:
Khi chào đời, bé gái có khoảng một triệu nang trứng ở hai buồng trứng, số lượng giảm dần đến tuổi dậy thì và còn khoảng 300.000-500.000 nang. Quá trình phát triển, thoái hóa và chọn lọc các nang trứng, rụng trứng liên tục diễn ra trong tuổi sinh sản khiến số lượng trứng ngày càng giảm.
Quá trình phát triển của trứng từ giai đoạn còn non đến trưởng thành, rụng trứng và thụ tinh rất phức tạp, tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi buồng trứng phải có sức khỏe tối ưu. Khi phụ nữ càng lớn tuổi, buồng trứng trở nên đáp ứng kém với nhu cầu của trứng đang phát triển dẫn đến chất lượng trứng kém và tăng khả năng tích tụ các lỗi về cấu trúc di truyền.
Ở tuổi 30, tỷ lệ trứng có nhiễm sắc thể bất thường khoảng 31%, sau 35 tuổi tỷ lệ này là 35% và sau 40 tuổi tăng lên 58%. Những bất thường này khiến phụ nữ sau tuổi 40 giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai so với phụ nữ trẻ tuổi. Hiện nay, xu hướng kết hôn và sinh con muộn, các tác động bởi yếu tố môi trường, bệnh lý… càng khiến phụ nữ tăng nguy cơ khó có con tự nhiên do buồng trứng lão hóa. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản, điển hình là thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp phụ nữ có thể mang thai và sinh con thuận lợi hơn.
Để quá trình mang thai và sinh con thuận lợi, an toàn, phụ nữ cũng được khuyến cáo thay đổi lối sống. Trứng mất khoảng 90 ngày để phát triển từ giai đoạn nang noãn nguyên thủy đến trưởng thành. Do đó, bạn nên thay đổi lối sống 3-4 tháng trước khi cố gắng thụ thai.
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Bạn nên hạn chế thực phẩm chứa carbohydrate và ăn nhiều món chứa chất béo có lợi. Cơ thể phân hủy carbonhydrate sẽ chuyển hóa thành glucose, fructose và các loại đường khác. Hàm lượng carbohydrate cao có thể gây viêm, tổn thương mô, giảm lưu lượng máu và dinh dưỡng được truyền đến buồng trứng khiến chất lượng trứng suy giảm.
Chất béo tốt có nhiều trong bơ, cá hồi, dầu ô liu… hỗ trợ cân bằng nồng độ nội tiết trong cơ thể phụ nữ, giúp quá trình thụ thai dễ hơn.
Bạn cũng nên bổ sung thực phẩm có thể cải thiện khả năng sinh sản và tăng chất lượng trứng như gan, cá, hàu, hạt lanh và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo. Chúng còn chứa hàm lượng vitamin A và omega-3 cao, có vai trò quan trọng trong cân bằng hormone sinh sản, nội tiết tố nữ, giúp buồng trứng hoạt động bình thường, thúc đẩy tăng chất lượng trứng.
Bạn tránh caffeine, thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích. Vận động khoa học, ngủ đủ giấc, hạn chế stress để nâng cao sức khỏe tổng thể và sức khỏe sinh sản nói riêng. Khi ngủ, cơ thể sửa chữa tế bào, phục hồi năng lượng và giải phóng các hormone cần thiết cho quá trình sinh sản. Hormone melatonin được tuyến tùng trong não sản sinh ra vào ban đêm cũng có lợi cho chất lượng tế bào trứng, rụng trứng và phát triển của phôi thai.
BS.CKII Vũ Nhật Khang
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |