Khách Ấn Độ đang đổ xô đến Đông Nam Á, góp phần củng cố vị thế là một thị trường tăng trưởng quan trọng cho ngành du lịch sau dịch.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra Ấn Độ có thể nổi lên “như một Trung Quốc tiếp theo” về “tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế” trong 10 năm tới, dù khả năng kết nối bị hạn chế do ít sân bay hơn. Các chuyên gia từ ADB cũng nhận định Ấn Độ có thể trở thành “nhân vật chính” được nhắc đến về phát triển du lịch sau dịch.
Các hãng hàng không như IndiGo, Thai Airways đến các chuỗi khách sạn cung cấp hàng nghìn phòng, công ty lữ hành đều cho chỉ ra số lượng cũng như sức chi tiêu của khách Ấn Độ ngày càng tăng. Nhà phân tích Brendan Sobie của Trung tâm Hàng không CAPA trụ sở tại Singapore cho biết Đông Nam Á đang có rất nhiều thuận lợi trong việc đón nhận sự tăng trưởng của thị trường tiềm năng này.
Ngành du lịch và lữ hành quan trọng đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á, đóng góp khoảng 12% GDP của trong khu vực trước dịch và mang đến hơn 40 triệu việc làm, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Trong khoảng một thập kỷ, Trung Quốc là thị trường cung cấp khách quốc tế lớn nhất khu vực. Nhưng dữ liệu chính thức từ bốn quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines chỉ ra lượng khách Trung Quốc phục hồi sau dịch còn chậm. Trong 5 tháng gần nhất, lượng khách Trung đi du lịch quốc tế đạt thấp hơn 60% so cùng kỳ 2019.
Tại Thái Lan, nơi du lịch là trụ cột kinh tế, lượng khách Ấn Độ sau dịch về gần bằng năm 2019, khi chỉ còn thấp hơn 14%. Dữ liệu từ chính phủ Thái Lan chỉ ra vào năm 2019, mỗi khách Trung Quốc chi 197 USD một ngày còn khách Ấn là 180 USD. Thời gian lưu trú của hai tệp khách này là một tuần.
Tanes Petsuwan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến đón 1,6 triệu khách Ấn Độ trong năm nay. Vào tháng 5, Singapore ghi nhận lượng khách Ấn ghé thăm nhiều hơn khách Trung. Trong khi đó, lượng khách Ấn (63.000 lượt) đến Indonesia xấp xỉ khách Trung (64.000).
Theo Chai Eamsiri, CEO Thai Airways, hiện có 14 chuyến bay mỗi tuần đến Trung Quốc, giảm so với khoảng 40 chuyến trước đại dịch. Trong khi số chuyến đến đến Ấn Độ mỗi tuần là 70. Ông Chai cho biết nhiều khả năng trong thập kỷ tới số lượng máy bay thân hẹp của Thái Lan tới Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi.
Sobie chỉ ra sức chứa trên các chuyến bay giữa Trung Quốc – Đông Nam Á thấp hơn 57% so cùng kỳ tháng 6/2019. Nhưng các chuyến bay từ Ấn Độ đến khu vực này phục hồi khoảng 90%.
Hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo đã đặt hàng 500 máy bay phản lực thân hẹp của Airbus để đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực. Họ “nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ” trên các tuyến giữa Ấn Độ – Đông Nam Á, với hơn 100 chuyến mỗi tuần.
Vinay Malhotra, giám đốc bán hàng toàn cầu của IndiGo cho biết sẽ mở các đường bay tới Jakarta (Indonesia) vào tháng 8 và tăng số lượng chuyến đến Singapore.
Không chỉ hàng không, khách Ấn cũng giúp các chuỗi khách sạn phục hồi sau dịch. CEO Dillip Rajakarier của Minor Hotels, chuỗi khách sạn có 45 cơ sở lưu trú tại Đông Nam Á với hơn 6.000 phòng, nhận định thị trường Ấn Độ luôn là một trong những thị trường nguồn hàng đầu của họ. Chuỗi khách sạn của họ đã tăng cường tiếp thị và có mặt trên khắp Ấn Độ.
Vào tháng 6, Pratyush Tripathy và 4 người bạn đáp chuyến bay dài 2,5 tiếng từ thành phố Kolkata, Ấn Độ, đến Bangkok, Thái Lan, cho kỳ nghỉ 5 ngày. Chuyến du lịch này có giá 484-726 USD, bằng giá vé đến châu Âu. “Tôi vừa tiết kiệm được thời gian lẫn tiền bạc”, Tripathy, 33 tuổi, chỉ ra lợi thế của việc đến Thái Lan du lịch thay vì đến châu Âu. Bên cạnh đó, Đông Nam Á dễ xin thị thực hơn là một điểm cộng của khách Ấn dành cho khu vực này.
Theo thông tin từ công ty du lịch trực tuyến Cleartrip Ấn Độ, lượng đặt vé đến Bangkok 6 tháng đầu năm tăng 270% so cùng kỳ năm 2019. Somsong Sachaphimukh, phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết để kiếm tiền từ khách Ấn, ngành du lịch phải hiểu được sở thích của người Ấn Độ, đặc biệt về ẩm thực và giải trí.
“Nếu chúng ta không điều chỉnh nhanh chóng, các nước láng giềng sẽ thu hút tệp khách này. Đây là cơ hội lớn của Thái Lan vì có rất nhiều thứ phục vụ họ” Somsong nói.
Anh Minh (Theo Reuters)