TP HCMNam thanh niên có khối amidan sưng to 4×4 cm, gấp đôi kích thước bình thường, chèn gần hết đường thở, gây ngưng thở khi ngủ và tiếng ngáy lớn.
Anh Nguyễn Thế Bảo (31 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết, từ nhỏ, anh mắc chứng ngủ ngáy. Mỗi sáng, anh đều thức dậy trong trạng thái uể oải. Nhiều năm khám bệnh, các bác sĩ nói anh bị viêm amidan và cho thuốc về uống. Bác sĩ từng khuyên anh cắt amidan nhưng do sợ phẫu thuật ảnh hưởng tới giọng nói nên anh trì hoãn.
Gần đây, tình trạng ngáy ngủ tăng nặng, tiếng ngáy vang và rít “như sấm”, khiến người trong gia đình không sao ngủ ngon giấc. Anh còn hay bị tỉnh giấc giữa đêm, miệng và họng đau, khô rát; ban ngày buồn ngủ, mệt mỏi, làm việc thiếu tập trung.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) phát hiện amidan của anh Bảo có kích thước khoảng 4×4 cm gần bằng quả trứng gà, bị viêm amidan quá phát (amidan bị viêm tái đi tái lại nhiều lần) mức độ 4 (mức độ nặng nhất), gây ngưng thở khi ngủ và cần phải phẫu thuật cắt bỏ ngay. Viêm amidan quá phát kéo dài, không được điều trị triệt để còn dẫn đến biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp và đột tử.
Bác sĩ Hương cho biết thêm, amidan của người bệnh quá to, che lấp gần như toàn bộ vùng họng khiến bác sĩ gặp khó khăn khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nhờ sử dụng công nghệ coblator, dao plasma và kinh nghiệm của ê kíp nên cuộc mổ diễn ra suôn sẻ trong 30 phút. Công nghệ coblator có ưu điểm nhanh chóng loại bỏ triệt để ổ viêm, phòng ngừa tái phát; vừa cắt vừa cầm máu nên hạn chế mất máu. Loại dao này sử dụng nhiệt độ thấp nên ít đau và không tổn thương vùng xung quanh, mau lành vết thương.
Nhờ rút ngắn thời gian phẫu thuật nên lượng thuốc mê sử dụng thấp. Sau mổ khoảng 10 phút, bệnh nhân hồi tỉnh; có thể ăn súp và uống sữa sau 3 tiếng. Chức năng vùng hầu họng như giọng nói, nuốt sau mổ bình thường. Bệnh nhân được xuất viện ngay ngày hôm sau.
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, không nguy hiểm cho đến giai đoạn quá phát. Khi amidan lớn gây chèn ép đường thở, khiến người bệnh ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Hầu hết người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày. Ngưng thở khi ngủ gây suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, làm suy giảm hiệu suất công việc. Đây cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, bệnh chuyển hóa (đái tháo đường), các bệnh lý thần kinh (trầm cảm)… thậm chí tử vong.
Ngưng thở khi ngủ có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhất là người từ 60 tuổi. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như béo phì, không hút thuốc lá, điều chỉnh tư thế ngủ phù hợp, thói quen sinh hoạt khoa học có thể góp phần phòng ngừa bệnh này. Viêm amidan quá phát cần phẫu thuật để giải phóng cho đường thở, phòng biến chứng ngưng thở khi ngủ.
Trước phẫu thuật cần đảm bảo amidan, mũi họng không bị viêm cấp. Sau mổ, bệnh nhân cần uống thuốc theo toa và tuân thủ các hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt như không khạc mạnh sau mổ, ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội trong tuần đầu xuất viện, hạn chế vận động gắng sức. Người bệnh cần tránh đồ ăn nóng và cứng thêm 2 tuần sau mổ, sau đó có thể ăn uống lại bình thường; tái khám sau mổ một tuần để bác sĩ kiểm tra vết mổ.
Nguyên Phương
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.