Sangeeta Kaur hay Teresa Mai là cái tên quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Tháng 7 này, Sangeeta Kaur có chuyến về thăm và hát ở Việt Nam, đây là lần trở về Việt Nam thứ ba của cô.
Trước chuyến về Việt Nam hát trong một chương trình ca nhạc tại TP.HCM và Hà Nội, Sangeeta Kaur – Teresa Mai có những tâm sự với Tuổi Trẻ.
Nếu Teresa Mai chỉ làm một mình…
* Sau khi học nhạc ở Boston rồi ở Venice (Ý), Sangeeta đã làm bao nhiêu album?
– Kể từ năm 2015 đến nay, tôi có bảy album, rồi đến Mythologies của Danaë Xanthe Vlass do tôi cùng Hila Plitmann và Danaë Xanthe Vlasse hát, đoạt giải Grammy.
Đây cũng là album thành công nhất của chúng tôi.
* Album Mythologies có ý nghĩa như nào với các bạn?
– Danaë Xanthe Vlasse sáng tác các bài hát trong Mythologies để vinh danh cha cô – một người Mỹ gốc Hy Lạp.
Nhân duyên đã đưa ba người bạn thân thiết chúng tôi cùng trình diễn các ca khúc này. Đó là lúc dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi tự thu âm ở nhà, từ nhiều nơi riêng rẽ rồi ghép nối lại với nhau.
Được đề cử rồi đoạt giải Grammy là một bất ngờ với chúng tôi, không thể tin được vì hầu như các dự án khác đều thực hiện trong những phòng thu đồ sộ với dàn nhạc nổi tiếng thế giới.
Sự thành công của album Mythologies cho thấy khi chúng ta làm việc hết sức mình, với tinh thần không vụ lợi, mà vì lòng yêu thích đầy trong sáng thì nhiều hy vọng sẽ thành công, như một món quà kỳ diệu mà thượng đế ban cho.
Thành công giúp tôi nhận thức rõ ràng rằng chúng ta sẽ không làm được gì nếu chỉ làm một mình, trong hầu hết các lĩnh vực từ kinh doanh đến hoạt động nghệ thuật.
Đến với nhau, cùng hợp tác, cùng làm việc, không vì lợi ích riêng tư mà với mục đích phụng sự cộng đồng thì vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
* Sangeeta là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được nhận giải Grammy. Bạn đã đi một chặng đường dài mà phải chăng sự cố gắng của bản thân là yếu tố quyết định?
– Vâng, nỗ lực của bản thân là quan trọng hàng đầu, quyết định 100% sự thành công trên con đường sự nghiệp của chính tôi.
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng bất cứ sự lựa chọn nào mà mình ham thích, thấy phù hợp với khả năng, thị hiếu, sở thích thì phải theo đuổi đến cùng.
Khi bạn không coi đó là công việc tạo nên tiếng tăm cho bản thân; không coi đó là phương cách gặt hái sự thành công cho chính mình, hoặc để kiếm thật nhiều tiền; hoặc khi bạn nhận thức được rằng công việc không chỉ mang lại lợi ích cho riêng mình, mà còn cho người khác thì bạn hãy cố gắng theo đuổi con đường đã chọn.
Nhận thức đó sẽ đặt ra trách nhiệm nặng nề trên đôi vai, không cho phép bạn bỏ cuộc nửa chừng. Bạn không thể mỗi ngày làm một chút rồi nghỉ ngơi.
Hiểu rằng việc mình làm thành công sẽ ảnh hưởng, tác động tích cực đến mọi người xung quanh thì bạn sẽ càng làm hết sức mình.
Sangeeta Kaur – ILLUMINANCE – PBS Front and Center
* Một thí dụ điển hình về trở ngại lớn nhất, khó khăn lớn nhất mà Sangeeta đã phải dùng hết sức để vượt qua và suýt chút nữa thì bỏ cuộc?
– Ồ nhiều lắm, nhiều trở ngại trong quá khứ mà tôi phải vượt qua. Nhưng cụ thể nhất là khi luyện tập yoga.
Yoga có một thế tập khó đến nỗi tôi luôn cảm thấy không thể tiếp tục được. Nhờ thầy nhắc nhở, liên tục bảo tôi phải cố lên.
Thầy nói rằng khi chúng ta đối đầu và vượt qua được những thử thách gian khổ nhất, khó khăn nhất thì không khác gì nhận được món quà kỳ diệu.
Cũng từ kinh nghiệm này, tôi nhận ra mọi khó khăn, gian khổ là thử thách mà cuộc sống đặt ra, buộc mình phải vượt qua để thấy “không có khó khăn nào là không thể vượt qua”.
Opera và mantra hòa quyện trong tôi
* Sangeeta có nói rằng âm nhạc, đặc biệt là nhạc thiền (mantra – new age), giúp con người có những giây phút bình yên tự tại. Bạn đã thực hiện bao nhiêu album nhạc thiền?
– Cuộc hành trình trong đời mỗi chúng ta luôn có nhiều bất ngờ, khó tiên liệu.
Để trở thành ca sĩ opera cổ điển, tôi phải học hỏi rất nhiều, rất cực khổ, rất lâu.
Phải yêu thích opera lắm mới đủ kiên nhẫn mà không bỏ cuộc nửa chừng.
Từ khi bắt đầu theo học, tôi dành 100% sức mình để theo đuổi loại nhạc cổ điển này.
Khi về lại New York, tôi gặp nhóm người trẻ thích thiền và yoga.
Tôi bắt đầu theo họ đến chỗ thiền, tập yoga, gặp người viết nhạc mantra, cũng đồng thời viết nhạc cổ điển. Tôi được mời đến hát. Sau sáu tiếng thu nhạc mantra, tôi bỗng cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thoát một cách kỳ lạ.
Thế là sau đó tuần nào tôi cũng đến phòng thu nhạc mantra. Giờ thì mỗi khi đứng trên sân khấu hát opera, tôi liên tưởng đến giây phút thanh thản, nhẹ nhàng khi hát mantra. Dần opera và mantra như hòa quyện với nhau trong tôi.
Sự thay đổi nhận thức làm tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, biết ơn thượng đế đã cho mình có giọng hát tốt và dẫn dắt mình lựa chọn.
Mantra giống một chất liệu giúp tôi khởi đầu cuộc sống tốt đẹp, nên tôi quyết định đưa vào mỗi album từ 2 – 3 bài mantra.
Mọi người có thể tụng và nghe mantra trên YouTube khi thiền. Nhưng để giới trẻ nghe và thích, tôi biến mantra thành những bài hát có hơi hướng pop.
* Hát opera và mantra về kỹ thuật có khác nhau không?
– Kỹ thuật trình diễn hai dòng nhạc này rất khác nhau. Hát opera khó hơn nhiều, buộc tôi phải sử dụng cả lồng ngực và đầy đủ hơi thở, phải biết chế ngự, dẹp bỏ mọi gút mắc, âu lo trong tâm trí. Nếu nghĩ đến cách hát thế nào cho đúng trong lúc trình diễn thì giọng không vang được.
Khi hát mantra mà vẫn nghĩ đến chuyện nấu ăn, nghĩ về người làm mình bực bội; hoặc đang bị stress thì hát không hay.
Ca sĩ không tìm thấy niềm cảm hứng; không cảm thấy hạnh phúc vì được hát; không nhận thức rằng âm nhạc biểu hiện sự liên kết giữa trời đất và con người thì tiếng hát, lời ca không tác động đến người nghe.
Phong cách trình diễn hai dòng nhạc cũng khác. Opera có cách phát âm bằng giọng mũi nhiều hơn trong khi mantra đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, giống như đang nói chuyện.
Dù khó, tôi rất muốn hát nhiều ca khúc Việt Nam
* Sangeeta có kế hoạch giúp các bạn trẻ trong âm nhạc?
– Chúng tôi đang tặng học bổng để giúp người trẻ, nhất là các em gốc Việt theo học âm nhạc, nghệ thuật, với điều kiện phải thông minh và có năng khiếu.
Hồi nhỏ, tôi phải đi làm 3, 4 việc để kiếm tiền đóng học phí. Nếu thời đó có người giúp thì biết đâu bây giờ tôi đã đi xa hơn và nhanh hơn (cười).
Vợ chồng tôi đã tặng học bổng cho 10 em nhỏ gốc Việt tha thiết với việc học, giúp các em tự tin theo đuổi và thực hiện đến cùng niềm mơ ước.
* Sangeeta hát tiếng Anh, trình diễn dễ dàng các bài tiếng Pháp, Đức, Ý, trong khi tiếng Việt thì không. Sangeeta sẽ cố gắng hát tiếng Việt trong tương lai?
– Tôi sinh ra ở California, học ngôn ngữ Ý, Pháp, Nga, thấy đúng là nhạc Việt Nam rất khó hát. Trước khi hát bài Cát bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn, tôi phải học hỏi để hiểu từ đâu, vì sao ông viết bài này.
Hát một bản nhạc Việt Nam, tôi phải tìm hiểu thân thế, tiểu sử các nhạc sĩ, kể cả lịch sử Việt Nam, và tất cả những gì liên quan bài hát, phải nắm vững ý nghĩa lời nhạc. Dù khó nhưng tôi rất thích và rất muốn hát nhiều ca khúc Việt Nam.
* Chuyến đi Việt Nam sắp tới của Sangeeta sẽ làm gì? Bạn thích gì nhất ở Việt Nam?
– Đây là lần thứ hai tôi được Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM mời về hát nhân lễ Độc lập 4-7. Tôi về thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 1997 và quay lại lần nữa năm 2015, ngạc nhiên về sự phát triển của giao thông.
Tôi thích nhất và nhớ hoài ánh mắt thân thiện, cởi mở của những phụ nữ Việt Nam trẻ mà tôi gặp. Họ chưa tới 30 tuổi, làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính, y khoa.
Tôi hy vọng sẽ có cơ hội về Việt Nam nhiều lần trong tương lai để trò chuyện với các chị em phụ nữ về nghệ thuật âm nhạc, về vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng một xã hội hạnh phúc và lành mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nu-ca-si-goc-viet-sangeeta-kaur-teresa-mai-hay-kien-nhan-theo-duoi-uoc-mo-20240619101814004.htm