Tôm quá lứa, giá rẻ chưa từng có
Tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên nằm trong số những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi biển, đặc biệt là tôm hùm. Tuy nhiên, từ tháng 8.2023, Trung Quốc ngưng cấp phép nhập khẩu tôm hùm bông khiến mặt hàng này tồn đọng chưa có lối ra. Ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản – du lịch Vân Phong với 32 xã viên, cho biết: HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu do chưa đáp ứng được giấy tờ. Điều này đang gây ra rất nhiều khó khăn cho xã viên. “Chúng tôi đề xuất các đơn vị liên quan làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện được giấy tờ thủ tục để có thể xuất khẩu tôm hùm trong thời gian sớm nhất”, ông Thái kiến nghị.
Theo chia sẻ của nhiều hộ nuôi tôm hùm ở các tỉnh miền Trung, trước đây tôm hùm bông chỉ khoảng 500 gr là đã xuất bán với giá khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay thương lái ngưng mua vì không xuất khẩu được nên giá giảm còn chưa tới 1 triệu đồng/kg. Sau khoảng 4 tháng tồn đọng, tôm từ 500 – 600 gr đã lên 900 gr – 1 kg. Trọng lượng càng lớn, tôm lại càng khó xuất khẩu vì thị trường Trung Quốc yêu cầu tôm cỡ nhỏ.
Ngày 26.11, theo khảo sát của Thanh Niên tại một số hệ thống kinh doanh hải sản lớn ở TP.HCM, giá tôm hùm bông sống cỡ từ 500 – 700 gr giá bán lẻ 1,35 triệu đồng/kg, hàng tươi (đông lạnh) giá 700.000 đồng/kg. Loại sống cỡ 1 – 1,2 kg có giá khoảng 1,85 triệu đồng/kg, loại tươi chỉ 800.000 đồng/kg. Nhân viên kinh doanh ở những hệ thống này cho biết tình hình tiêu thụ hải sản từ đầu năm đến nay giảm từ 15 – 20% so với bình thường. Riêng mặt hàng tôm hùm giảm đến khoảng 35%, dù giá bán lẻ hiện tại giảm đến 35 – 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân là mặt hàng này có giá trị cao trong khi tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều người hạn chế chi tiêu.
Chị Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm lớn nhất VN, cho biết: Điều an ủi là Trung Quốc chỉ ngưng nhập tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh vẫn được phép. Ngay trong ngày 25.11, Công ty Thành Nhơn đã xuất 2 chuyến hàng, nâng tổng số hàng xuất trong tháng này là 8 chuyến. Dù vậy, chị Thư thừa nhận lượng hàng tiêu thụ rất chậm, chỉ bằng khoảng 20% so với những năm trước đây. Việc chuyển hướng thị trường là không đơn giản vì từ trước tới giờ, gần như mọi đường đi của tôm hùm như qua Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… cũng đều đổ về Trung Quốc. Dù xuất khẩu chính ngạch nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi yêu cầu về bao bì, thông tin sản phẩm bên ngoài, khiến doanh nghiệp rất khó khăn, lúng túng.
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng – Chế biến – Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin: Trung Quốc chiếm đến 98 – 99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của VN; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan chỉ chiếm 1 – 2%. Nhưng từ tháng 5.2023, Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ và tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Đến tháng 8.2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông bị ngưng trệ do hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. Bên cạnh đó, VN có 46 cơ sở bao gói tôm hùm được phía Trung Quốc cấp phép nhưng chưa có vùng nuôi nào có mã số.
Cần tổ chức lại bài bản
Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nêu thực tế: Hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và VN nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… Điều này dẫn đến một số khó khăn như đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác. Công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc.
Theo Cục Biển và Hải đảo VN (Bộ TN-MT), đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) cơ bản được thực hiện theo quy định của luật Thủy sản năm 2003 và luật Đất đai năm 2003. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, số liệu báo cáo của Sở TN-MT các địa phương có biển cho thấy, đến hết tháng 12.2022, việc giao khu vực biển để NTTS vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS. Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao khu vực biển để NTTS như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467, tỉnh Ninh Thuận có 105 đã sử dụng nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo.
Nhìn nhận ở góc độ tích cực, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn STP Group – Super Trường Phát, cho rằng: “Chúng ta nên chấp nhận thực tế khó khăn hiện nay như một khoảng lặng, nhân cơ hội này đầu tư lại từ đầu theo chuỗi giá trị để có thể phát triển lâu dài về sau. Thay cho các lồng bè truyền thống, nên nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế triển khai mô hình thí điểm nuôi tôm hùm với công nghệ hiện đại kết hợp với du lịch trải nghiệm. Nên nghiên cứu đưa vào mô hình nuôi tôm hùm lồng nhựa HDPE. Mô hình này tuy giá trị cao nhưng đây là giải pháp thông minh và là xu hướng chung của thế giới”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: VN có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã nhận diện được thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được. Trên cơ sở đó, ông Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…
Nhân giống tôm hùm đã đi được đến 9/12 bước
Ông Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện NTTS 3, cho biết: Hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm. Nghiên cứu giống tôm hùm bông là đề tài cấp nhà nước đang được Viện triển khai. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9 với thời gian nuôi là trên 120 ngày. Theo các tài liệu, ấu trùng này cần đến ngày thứ 150 mới thành tôm hùm bông trắng với 12 giai đoạn để trở thành con giống thương phẩm. Có 2 nguyên nhân khiến ấu trùng tôm hùm bông chưa đi được tới giai đoạn 10: Thứ nhất, có thể là do nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt khi ấu trùng lột xác. Thứ hai có thể do chất lượng nước, môi trường bể nuôi sau 120 ngày gây tác động. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là hiện nay tỷ lệ sống của ấu trùng khá cao, lên tới 0,5%; trong khi điều kiện của đề tài đặt ra chỉ là 0,001%. “Chúng tôi hy vọng trong 1 năm tới sẽ xử lý được các vấn đề còn tồn đọng”, ông Nha kỳ vọng.