“Từ khi có Nghị quyết 41 năm 2029 về đầu tư 2 nhà máy, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để thực hiện dự án. Hiện nay nhân dân đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế…cho Nhà nước để triển khai dự án. Qua 2 cuộc kháng chiến, nhân dân từng đặt trọn niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ thì ngày nay tiếp tục đóng góp di dời nơi ở, nơi sinh sống lâu đời cho Nhà nước với mong muốn dự án được triển khai nhanh, mang lại nguồn năng lượng mới cho đất nước phát triển”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, nhân dân vùng dự án chỉ có mong muốn, đó là nơi ở mới của bà con phải thực sự tốt hơn, để đời sống hiện nay và thế hệ sau ổn định, ấm no, hạnh phúc.
"Chúng ta đều tin tưởng việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thật sự an toàn, thành công. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là việc bà con vùng dự án di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc sẽ tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa… để đất nước chúng ta triển khai các dự án tiếp theo.
Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Thuận vùng dự án với tinh thần quyết tâm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ Quốc hội và các vị đại biểu sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và công việc được giao, đảm bảo tiến độ. Ninh Thuận vì cả nước và cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình đặc biệt quan trọng để đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, ông Nam khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam. (Ảnh: Media Quốc hội).
Ông Nam cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành luôn quan tâm phân bổ nguồn lực hỗ trợ nhiều mặt để Ninh Thuận từ tỉnh thuộc nhóm khó khăn nhất cả nước đến năm 2024 thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 4.000 USD/năm/người, GRDP trung bình các năm tăng trưởng khoảng 9% thuộc nhóm tỉnh tăng trưởng cao. Đặc biệt, năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 3.700 MW đứng đầu cả nước đã tạo động lực để Ninh Thuận tiếp tục phát triển. Mới đây, Quốc hội quyết định tiếp tục tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây có thể nói là vinh dự vô cùng lớn cho Ninh Thuận để thật sự trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Cần cơ chế giải tỏa, đền bù hợp lý
Theo Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam, với mục tiêu này, thời gian qua tỉnh đã tiến hành ngay mọi công việc với tinh thần xuyên suốt “việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi” để đến năm 2030 - 2031 hoàn thành tốt các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương. "Vì vậy cơ chế, chính sách đặc thù là hết sức cần thiết, cấp bách ban hành", ông Nam nói.
Tại tờ trình số 74 của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, liên quan tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung đề xuất, tỉnh đã có đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ông Nam cho rằng đây là những nội dung quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay được công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, theo khoản 3 điều 95 của Luật Đất đai quy định ổn định trước ngày 1/7/2024 rất khó khăn vì từ năm 2009 đã dừng các hoạt động sản xuất làm sổ, sang nhượng do có chủ trương làm nhà máy điện hạt nhân.
“Cùng với đó đất khu vực dự án là mặt biển có giá trị cao của người dân nếu thu hồi không đền bù hợp lý sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bà con vùng dự án đã dừng sản xuất trong thời gian dài có nhiều thiệt thòi, do đó cần bổ sung thêm nội dung trên và giao địa phương chịu trách nhiệm”, ông Nam nói.
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề xuất Chính phủ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt với chính sách quản lý và giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với đó là phải đảm bảo về mặt nhân sự, nhà thầu xây dựng, cơ chế chính sách đặc thù cho dự án.
Theo ông Mai, hiện trên thế giới, nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon, trong đó có việc mở rộng chương trình điện hạt nhân; tập trung xây dựng và nâng cấp các lò hạt nhân để tăng công suất, sản xuất điện.
Sự triển khai đồng loạt trên toàn cầu không chỉ chứng minh cho tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong đảm bảo an nình năng lượng mà còn khẳng định tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững. Do đó, với yêu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh từ Việt Nam thì việc phát triển điện hạt nhân là một tất yếu khách quan và hợp quy luật.
Đồng thời trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước cộng với tính chất đặc thù, đặc biệt của nhà máy điện hạt nhân, thì việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại, là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân, cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và phát triển của Việt Nam.
PHẠM DUY - Vtcnews.vn
Bình luận (0)