Chữ tín với người nông dân
– Công ty Phân bón Miền Nam được hình thành khá sớm, và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của ngành Hóa chất. Cụ thể, thông qua các sản phẩm, thương hiệu của mình đã góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) – một tập đoàn kinh tế nhà nước có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thưa ông?
Công ty CP Phân bón Miền Nam được thành lập theo quyết định số 426/HC-QĐ ngày 19/4/1976 của Tổng Cục Hóa Chất Việt Nam với trọng trách quản lý toàn ngành phân bón ở Miền Nam, công ty là đơn vị tiên phong nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phân bón NPK 1 hạt và là đơn vị duy nhất ở phía Nam sản xuất sản phẩm phân bón Supe Lân.
“Miền Nam” trong tên gọi của công ty có thể hiểu là sau khi giải phóng Miền Nam, công ty là đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón đầu tiên được thành lập ở Miền Nam”, ông Đặng Tấn Thành
Những năm đầu mới thành lập, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nguyên liệu sản xuất thiếu thốn nhưng với tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo sự quyết tâm và đoàn kết của tập thể người lao động, công ty đã vượt qua những khó khăn để sản xuất ra những sản phẩm phân bón có chất lượng.
Trong kinh doanh, chữ tín với khách hàng, với bà con nông dân được công ty gửi gắm qua từng hạt phân nhỏ bé để tạo nên một thương hiệu uy tín và niềm tin vững chắc trong tâm thức người sử dụng.
Công ty đã trải qua hơn 48 năm hình thành và phát triển, cùng đồng hành với lịch sử ngành Hóa chất Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo và tập thể người lao động của công ty đã nỗ lực với tinh thần tự chủ, khắc phục khó khăn của mỗi thời kỳ, tìm các giải pháp làm chủ công nghệ sản xuất phân bón, hóa chất và thực hiện cải tiến máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về môi trường giúp công ty sản xuất ra những sản phẩm phân bón chất lượng cao như phân bón hỗn hợp NPK, phân Supe Lân, phân bón lá và phân bón hữu cơ chất lượng cao SFJC Bio-Gold G.A.P phục vụ ngành nông nghiệp và bà con nông dân.
Phân bón Miền Nam tham dự Festival cafe tại Buôn Ma Thuột, địa bàn mà công ty đã giới thiệu nhiều sản phẩm phục vụ việc trồng và xuất khẩu cà phê. |
– Thưa ông, “Miền Nam” trong tên gọi của doanh nghiệp có thể hiểu đó là một địa bàn kinh doanh quan trọng của công ty? Ông có thể cho biết, sự hiện diện và những đóng góp của Phân bón Miền Nam tại những vùng canh tác nông nghiệp, nông sản lớn như khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…?
“Miền Nam” trong tên gọi của công ty có thể hiểu sau khi giải phóng miền Nam, công ty là đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón đầu tiên được thành lập ở Miền Nam.
Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, sản phẩm Phân bón Miền Nam đã có mặt trên khắp các tỉnh thành từ Bắc tới Nam qua hệ thống phân phối, với gần 100 đại lý cấp 1 và hơn 6.500 đại lý cấp 2, đặc biệt là các khu vực nông nghiệp trọng điểm như khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao năng suất và nâng tầm nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, cụ thể:
Ở thị trường Tây Nguyên, các sản phẩm phân bón NPK của Phân bón Miền Nam góp phần gia tăng giá trị nông sản Việt Nam, đặc biệt là cây cà phê, giúp đưa mặt hàng cà phê trở thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD.
Còn ở thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm phân bón Supe Lân Long Thành là sản phẩm có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp của vùng đất này, với công dụng cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lúa, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty CP Phân bón Miền Nam luôn cải tiến máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp xanh và bền vững trong tương lai. Đến nay, sản phẩm phân bón hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật; sản phẩm NPK hạt nhỏ giúp cây trồng dễ hấp thu các chất dinh dưỡng, hạn chế thất thoát phân bón trong điều kiện thời tiết cực đoan; sản phẩm Lân đáp ứng nhu cầu sử dụng cho vùng đất nhiễm phèn nặng (đất có độ pH thấp)…
Lãnh đạo Vinachem trao cờ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng Phân bón Miền Nam. |
Vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững
– Được biết, Phân bón Miền Nam đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2010, trong đó Nhà nước vẫn đang nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ. Điều đó cho thấy, vai trò định hướng phát triển của Vinachem đối với công ty là rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, và xu hướng sản xuất xanh, ít phát thải qua đó nâng cao giá trị sản xuất như câu slogan “Nâng tầm nông sản Việt” trên bộ nhận diện thương hiệu của Phân bón Miền Nam, thưa ông?
Công ty CP Phân bón Miền Nam đã chính thức chuyển đổi hình thức quản lý sản xuất kinh doanh sau 34 năm thành lập sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/10/2010, trong đó Nhà nước vẫn đang nắm giữ 65% vốn điều lệ của công ty, vai trò và định hướng của Vinachem đối với chúng tôi là rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Phân bón là một sản phẩm quan trọng đóng góp vào cơ cấu sản lượng và doanh thu của Vinachem, từ sau giai đoạn cổ phần hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã phát triển mạnh về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và xu hướng phát triển xanh, ít phát thải Phân bón Miền Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát kịp thời của Vinachem giúp công ty sản xuất ra những sản phẩm phân bón chất lượng đặc biệt là sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao SFJC Bio-Gold G.A.P sử dụng nguồn nguyên liệu tận dụng từ khâu chế biến nông sản.
Phân bón hữu cơ chất lượng cao SFJC Bio-Gold G.A.P và sản phẩm phân bón NPK hạt nhỏ của công ty đáp ứng xu hướng sản xuất xanh, ít phát thải nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản đúng như mục tiêu mà Công ty CP Phân bón Miền Nam đang theo đuổi là “Nâng tầm nông sản Việt”, giúp nông sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Với việc chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa từ năm 2010, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm 65,05% vốn điều lệ, công ty vừa huy động được các nguồn lực bên ngoài, vừa phát huy được nội lực tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho Phân bón Miền Nam bước vào giai đoạn đổi mới phát triển bền vững, phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế đất nước. Hiện, Công ty CP Phân bón Miền Nam có 3 nhà máy sản xuất phân bón, 1 Nhà máy sản xuất bao bì, 1 đơn vị liên doanh với PVOIL và LG Chem (Hàn Quốc).
Nguồn: https://baophapluat.vn/phan-bon-mien-nam-kien-tri-muc-tieu-nang-tam-nong-san-viet-post522060.html