Ăn các loại hạt gây viêm túi thừa, thức ăn cay làm loét dạ dày hay mất nhiều năm để tiêu hóa kẹo cao su là những lầm tưởng thường gặp.
Hệ tiêu hóa có vai trò tiếp nhận, tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải những chất cặn bã ra ngoài. Cơ quan này rất quan trọng với cơ thể, nhưng một số người vẫn hiểu lầm về cách thức hoạt động cũng như các bệnh lý liên quan.
Mất nhiều năm để tiêu hóa kẹo cao su: Một số người cho rằng kẹo cao su sau khi nuốt có thể dính trong ruột thời gian dài vì nó không tan như các thực phẩm khác, khó phân hủy. Tuy nhiên, kẹo cao su không dính bên trong ruột. Hệ thống tiêu hóa di chuyển nó giống như các thực phẩm khác và thải ra ngoài theo sau vài ngày.
Thực phẩm cay gây loét: Hầu hết vết loét ở niêm mạc dạ dày xảy ra do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) hoặc dùng thuốc giảm đau không đúng cách. Thực phẩm có nhiều nhiệt, cay nóng như ớt, tiêu có thể khiến triệu chứng viêm loét nặng hơn, đau bụng nhưng không gây ra loét.
Chỉ người nghiện rượu mới bị xơ gan: Xơ gan là tình trạng các tế bào gan khỏe mạnh bị tổn thương và hình thành mô sẹo. Nghiện rượu là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến xơ gan, nhưng cũng có những nguyên nhân khác như viêm gan B và C.
Uống nhiều rượu nguy cơ xơ gan cao nhưng không phải tất cả người uống rượu đều mắc bệnh này.
Các loại hạt gây viêm túi thừa: Một số ý kiến cho rằng không nên ăn các loại hạt, ngô, bỏng ngô và thực phẩm có hạt nhỏ như dâu tây để tránh các mảnh nhỏ mắc vào túi thừa gây đau. Tuy nhiên, khoa học chứng minh điều ngược lại, chế độ ăn nhiều chất xơ từ hạt, trái cây giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, trong đó có bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Đậu gây ra nhiều khí nhất: Sản phẩm từ sữa gây ra nhiều khí hơn đậu và các thực phẩm khác, nhất là ở người lớn tuổi, người ít có khả năng hấp thụ đường trong sữa (lactose).
Hút thuốc làm giảm chứng ợ nóng: Mọi người nên bỏ thuốc và tránh xa khỏi thuốc lá thụ động vì có thể làm ợ nóng nặng hơn. Chất nicotine trong thuốc lá làm giãn cơ ở phía trên dạ dày, tạo điều kiện cho axit trào ngược vào thực quản, tăng ợ nóng.
Ngủ ngồi để không ợ nóng: Không có bằng chứng nào chứng minh người bị ợ nóng phải ngủ ngồi để tránh triệu chứng. Người bệnh có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn bằng cách nâng đầu và ngực cao hơn khi nằm. Thay đổi thói quen ăn uống như chia bỏ bữa ăn, ăn chậm, nhai kỹ… cũng góp phần giảm ợ nóng.
Không ăn chất xơ khi tiêu chảy: Chất xơ giúp tăng nhu động ruột, tiêu hóa trơn tru, giảm táo bón. Người bị tiêu chảy không cần hạn chế chất xơ. Một số rau củ quả chứa chất xơ giúp phân không bị lỏng, hấp thụ chất lỏng trong ruột để làm cứng phân, sớm kiểm soát triệu chứng tiêu chảy.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |