Cách đây 50 năm, tàu lặn Pisces III cùng hai thủy thủ gặp nạn dưới đáy biển sâu gần 500 mét, kích hoạt chiến dịch giải cứu trong 76 giờ.
1h15 ngày 29/8/1973, cựu thủy thủ hải quân Anh Roger Chapman, 28 tuổi, và kỹ sư 35 tuổi Roger Mallinson bắt đầu chuyến lặn định kỳ bằng tàu Pisces III xuống đáy Đại Tây Dương, cách thành phố Cork của Ireland hơn 240 km. Tàu lặn thương mại Pisces III khi đó được thuê để lắp đặt hệ thống cáp điện thoại nối từ Mỹ tới châu Âu.
Pisces III dài 6m, rộng 2m và cao 3m. Tàu được chế tạo bởi công ty thủy động lực học quốc tế North Vancouver ở Canada và được hạ thủy lần đầu năm 1969.
“Mất khoảng 40 phút để tàu xuống tới độ sâu khoảng 487 mét và thời gian quay lại ngắn hơn một chút. Chúng tôi làm việc theo ca 8 tiếng, di chuyển dọc theo đáy biển với tốc độ 0,8 km/h, đặt thiết bị xử lý bùn và đặt cáp. Đó là công việc rất mất thời gian”, Chapman kể.
Mallinson nói tầm nhìn kém dưới đáy biển khiến công việc rất mệt mỏi. “Nó giống như lái xe trên đường cao tốc trong sương mù dày đặc và cố lần theo vạch kẻ đường. Bạn phải rất tập trung”, ông cho biết.
Ca làm việc của Mallinson hôm đó bắt đầu sau 26 tiếng không ngủ. Mallinson cho biết một thiết bị của tàu Pisces III gặp trục trặc sau lần lặn trước nên ông phải mất cả ngày để sửa. “Tôi biết rõ tàu lặn này vì chính tôi đã nhiều lần sửa chữa nó”, ông nói.
Một điều may mắn là Mallinson đã thay bình dưỡng khí mới cho tàu. “Bình cũ vẫn còn khá đủ cho chuyến lặn bình thường, nhưng như thể có ai mách bảo, tôi quyết định thay bình mới”, ông kể.
Ngoài việc đặt cáp, các thủy thủ cũng phải để ý đến vấn đề duy trì sự sống trong tàu lặn. Cứ 40 phút, họ phải bật thiết bị hấp thụ khí CO2 mà họ thở ra, trước khi xả oxy vào tàu để hít thở.
Đến 9h18, tai nạn xảy ra khi tàu Pisces III nổi lên, chờ được kéo lên mặt nước và đưa trở lại tàu mẹ. “Có rất nhiều tiếng đập của dây thừng và xích như thường thấy trong đoạn cuối của hành trình. Nhưng đột nhiên, chúng tôi bị rơi ngược trở lại và nhanh chóng chìm xuống. Tàu bị lộn ngược”, Chapman kể.
Quả cầu phía sau tàu, dùng để chứa máy móc, đã ngập nước do cửa bị kéo ra. Tàu trở nên nặng gấp nhiều lần. “Khi chìm xuống, điều chúng tôi lo lắng nhất là liệu gần đây có thềm lục địa hay không, bởi nếu đâm vào, chúng tôi sẽ nát vụn”, Chapman nói thêm.
Mallinson cho biết tàu lặn đã rung lắc khi chìm xuống. “Nó rất đáng sợ, giống như máy bay ném bom bổ nhào Stuka với tiếng động cơ gầm rú và đồng hồ đo áp suất quay tròn”, ông nói.
Hai thủy thủ đã tắt hệ thống điện và mọi thứ trên tàu để giảm trọng lượng khi chìm xuống đáy. “Mất khoảng 30 giây trước khi chúng tôi va vào đáy đại dương. Chúng tôi đã tắt máy đo độ sâu ở vị trí 152 mét vì nó có thể bị vỡ. Chúng tôi cố cuộn người lại để tránh thương tích và ngậm một miếng vải trong miệng để không cắn vào lưỡi”, Mallinson kể.
Khi chiếc tàu chạm đáy ở độ sâu 480 m với vận tốc 65 km/h, suy nghĩ đầu tiên của Mallinson là thấy may mắn vì còn sống. “Chúng tôi không bị thương nhưng thiết bị văng khắp nơi. Chúng tôi chỉ ngồi đó với một chiếc đèn pin mà không biết con tàu đã rơi xuống cái rãnh và chỉ còn một nửa nhô lên trên đáy biển”, Chapman nói.
Hai người gửi tin nhắn thông báo với tàu mẹ rằng cả hai đều ổn và các chỉ số cho biết nguồn cung oxy của họ có thể kéo dài tới sáng 1/9/1973. Tàu ngầm này mang theo lượng dưỡng khí trong 72 giờ, nhưng họ đã sử dụng mất 8 giờ nên còn 66 giờ.
Các thủy thủ đã dành vài giờ đầu để sắp xếp lại mọi thứ trong tàu. “Tàu gần như lộn ngược, nên chúng tôi phải sắp xếp lại mọi thứ và đảm bảo tàu không bị rò rỉ”, Chapman nói.
Họ sau đó quyết định không vận động quá nhiều để tiết kiệm lượng dưỡng khí. “Nếu bạn ngồi im, không nói chuyện hoặc di chuyển, bạn sử dụng 1/4 lượng oxy so với khi vận động”, ông nói.
“Chúng tôi hầu như không nói chuyện, chỉ nắm lấy tay nhau và siết chặt để biểu thị rằng mình vẫn ổn. Thể trạng của tôi không tốt lắm vì trước đó bị ngộ độc thực phẩm 3-4 ngày. Song nhiệm vụ của chúng tôi là phải sống”, Mallinson nói.
Trên mặt biển, nỗ lực cứu hộ được tiến hành. Tàu cứu hộ Vickers Venturer, thời điểm đó đang ở Biển Bắc, đã nhận được tín hiệu lúc 10h30 và nhận lệnh đưa tàu lặn Pisces III trở lại cảng gần nhất.
Tàu HMS Hecate của hải quân Anh cũng được điều tới hiện trường lúc 12h09 cùng máy bay Nimrod của không quân Anh. Ngoài ra, công tác cứu hộ còn có tàu lặn CURV III của hải quân Mỹ và tàu cảnh sát biển John Cabot của Canada.
Ngày 30/8/1973, tàu mẹ Vickers Voyager cập cảng thành phố Cork lúc 8h để đón tàu lặn Pisces II và Pisces V được chuyển đến bằng máy bay đêm hôm trước. Tàu rời cảng ở Cork lúc 10h30.
Trong khi đó, ở dưới đáy biển, nguồn cung của Chapman và Mallinson dần cạn kiệt. Hai người chỉ có một chiếc bánh sandwich và một lon nước chanh, nhưng họ không thiết ăn uống.
“Chúng tôi để CO2 tích tụ lâu một chút để tiết kiệm oxy. Chúng tôi có máy đo thời gian để thực hiện quy trình lọc CO2 sau mỗi 40 phút, nhưng đã cố duy trì lâu hơn một chút. Điều đó khiến chúng tôi hơi lơ mơ và buồn ngủ. Chúng tôi bắt đầu nghĩ về gia đình. Tôi vừa mới kết hôn, nhưng Mallinson có vợ và 4 con nhỏ. Anh ấy bắt đầu có chút lo sợ về tình hình”, Chapman nói.
Tuy nhiên, Mallinson nói một con tàu đã gửi tới thông điệp rất tuyệt vời từ Nữ hoàng Elizabeth II, với những lời chúc tốt đẹp. “Điều đó thật ấm áp. Cơ thể của bạn đang lạnh cóng nhưng sau đó thông điệp khiến adrenalin sản sinh và nhịp tim tăng lên”, ông cho hay.
Ngày 31/8/1973, Pisces II hạ thủy lúc 2h, nhưng gặp sự cố nên phải quay trở lại tàu mẹ để sửa chữa. Sau đó, Pisces V lặn xuống đáy biển nhưng không thể tìm thấy Pisces III trước khi hết năng lượng. Tàu phải trở lại mặt nước, sau đó tiếp tục chuyến lặn thứ hai.
“Phải gần 13h Pisces V mới tìm thấy chúng tôi. Thật tuyệt khi biết ai đó đã thấy chúng tôi. Nhưng Pisces V không thể gắn móc dây kéo vào tàu của chúng tôi”, Chapman nói.
Pisces V được lệnh ở lại với Pisces III. Pisces II lại được hạ thủy, song nhanh chóng nổi lên sau khi phát hiện nước xâm nhập vào quả cầu của tàu. Khoảng 17h30, tàu lặn CURV III đến cùng với tàu John Cabot, song không thể lặn vì gặp vấn đề về nguồn điện.
“Đến nửa đêm 31/8, chúng tôi chỉ có Pisces V tiếp cận được vị trí tàu gặp nạn, trong khi hai chiếc tàu lặn bị hỏng. Pisces V được lệnh nổi lên mặt nước ngay sau nửa đêm. Điều này giống như đòn giáng vào chúng tôi, bởi xung quanh không còn ai. 72 giờ dưỡng khí của chúng tôi gần cạn, lithium hydroxide để lọc CO2 cũng không còn. Chúng tôi gần như chấp nhận khả năng tệ nhất”, Chapman nói.
Mallinson cũng đồng tình rằng hy vọng đang mờ dần. Ông kể điều an ủi duy nhất là sự hiện diện của cá heo. “Chúng tôi không nhìn thấy, nhưng nghe được tiếng chúng trong suốt ba ngày. Điều đó khiến tôi rất vui”, ông nói.
4h02 sáng 1/9/1973, Pisces II lặn xuống lần nữa mang theo sợi dây kéo được thiết kế đặc biệt. “Khoảng 5h, sợi dây được gắn vào quả cầu phía sau tàu. Họ biết chúng tôi vẫn còn sống”, Chapman nói. “Tới 9h40, CURV III lặn xuống và gắn thêm một sợi dây khác vào quả cầu. Chúng tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra và tại sao chúng tôi chưa được kéo lên”.
Mallinson kể ông không cảm thấy lạc quan rằng quá trình kéo sẽ thành công. “Quả cầu nằm phía sau, trong khi chúng tôi ở phía trước. Lúc đó tôi thấy khó chịu vì họ định kéo chúng tôi lên theo kiểu đó. Tôi nghĩ đó là quyết định sai lầm. Vào lúc đó, nếu họ hỏi một trong hai chúng tôi rằng muốn bị bỏ lại hay kéo lên, cả hai sẽ nói ‘hãy để chúng tôi yên'”, ông cho biết.
Tới 10h50, Pisces III bắt đầu được kéo lên. “Ngay khi chúng tôi được lôi khỏi đáy biển, con tàu rung lắc rất mạnh”, Chapman nói.
Quá trình kéo đã phải tạm ngưng hai lần, một ở độ sâu 106 mét để gỡ rối dây kéo và lần thứ hai ở độ sâu khoảng 30 mét để các thợ lặn gắn thêm dây.
13h17, Pisces III được nâng lên khỏi mặt nước. “Khi họ mở cửa, không khí trong lành và ánh sáng ùa vào khoang tàu khiến chúng tôi nhức mắt nhưng cảm thấy rất phấn khích. Nhưng người chúng tôi đã tê dại và khó có thể trèo ra khỏi tàu”, Chapman kể.
Mallinson thêm rằng đội cứu hộ đã mất 30 phút để mở cửa tàu vì bị kẹt. “Khi nó mở ra, chúng tôi ngửi thấy mùi biển mặn”, ông nói.
Hai thủy thủ đã ở trong Pisces III 84,5 tiếng trước khi được giải cứu. “Chúng tôi chỉ có dưỡng khí đủ trong 72 giờ, nhưng đã cố gắng kéo dài thêm 12,5 giờ nữa. Khi được cứu, chúng tôi chỉ còn lượng oxy đủ cho 12 phút”, Chapman nói.
Pisces III ban đầu có các vây đuôi, song được loại bỏ sau khi tàu được công ty Vickers Oceanics mua lại. Nhiều nhà phân tích về sau cho rằng nếu không loại bỏ các vây đuôi, chúng đã có thể giúp ngăn cản việc dây kéo vướng vào quả cầu chứa máy móc của tàu khiến tai nạn xảy ra.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, Mallinson dành lời khen ngợi cho Chapman. “Roger Chapman là một người tuyệt vời. Người khác có thể đã hoảng loạn. Nếu chọn ai đó để lặn cùng lần nữa, tôi muốn đó là ông ấy”, Mallinson nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)