Yếu tố nguy cơ ung thư vú như tiền sử gia đình, đột biến gene không thể thay đổi nhưng ăn uống lành mạnh; không hút thuốc… giúp phòng tránh bệnh.
Ung thư vú có liên quan đến gene, lối sống và môi trường xung quanh phối hợp, làm tăng hoặc giảm nguy cơ. Phòng ngừa ung thư vú giúp giảm số ca mắc mới. Hiệp hội Ung thư Mỹ thống kê những phụ nữ phát hiện sớm ung thư vú và đang ở giai đoạn khu trú (không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài vú) thì tỷ lệ sống sau 5 năm đến 99%. Phát hiện sớm bao gồm tự kiểm tra vú hàng tháng, khám vú lâm sàng và chụp nhũ ảnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết một số yếu tố nguy cơ như tiền căn gia đình ung thư vú hay mang đột biến gene là không thể thay đổi. Tuy nhiên, phụ nữ có thể thay đổi lối sống bằng những thói quen lành mạnh và duy trì hoạt động thể chất để có thể phòng tránh ung thư vú sớm.
Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì: Nếu cân nặng của bạn phù hợp với chiều cao thì cố gắng duy trì. Trường hợp bạn cần giảm cân nên hỏi bác sĩ về các phương pháp lành mạnh để thực hiện như ăn uống cân bằng, giảm số lượng calo ăn mỗi ngày và từ từ tăng cường độ tập thể dục. Mọi người nên hạn chế ăn đường và carbohydrate tinh chế như đồ ngọt, đồ uống có đường, nước soda. Thay thế đồ ngọt bằng trái cây tươi hoặc khô sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú. Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh nên tập aerobic vừa phải ít nhất 150 phút hoặc 75 phút cho hoạt động aerobic cường độ mạnh một tuần, cộng với rèn luyện sức mạnh ít nhất hai lần một tuần.
Hạn chế đồ uống có cồn: Người càng uống nhiều rượu, nguy cơ phát triển ung thư vú càng cao. Bác sĩ Giang cho biết, khuyến nghị chung dựa trên nghiên cứu về tác động của rượu đối với nguy cơ ung thư vú là hạn chế uống quá một ly mỗi ngày vì ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Bác sĩ Giang khuyên để giảm nguy cơ ung thư vú, mọi người nên ăn các bữa ăn lành mạnh và cân bằng bao gồm: dùng nhiều sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo; ăn ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc không đường và các loại đậu nấu chín vì chúng rất giàu chất xơ. Chế độ ăn nên có tối thiểu năm phần trái cây và rau quả, tốt nhất là tươi và những loại có màu sắc tươi sáng, bao gồm cam, dưa lưới, dưa hấu, dâu tây, nho đỏ, nho xanh, bưởi, bí, cà chua, rau dền, súp lơ, bắp cải, cà rốt, ớt xanh và bông cải xanh. Chúng cung cấp chất chống oxy hóa làm giảm nguy cơ ung thư vú cùng các lợi ích sức khỏe khác.
Dùng protein nạc như thịt nạc, cá, thịt gia cầm; các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu ô liu và dầu hạt cải sử dụng ở mức độ vừa phải. Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó có chứa các chất dinh dưỡng góp phần chống ung thư.
Bác sĩ Giang dẫn một số nghiên cứu cho thấy, mọi người nên tiêu thụ các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành và đậu nành, vì chúng đóng vai trò bảo vệ chống ung thư vú. Các nghiên cứu khác khuyến nghị thêm gia vị nghệ vào thực phẩm vì lý do tương tự. Đậu nành chứa protein, isoflavone và chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nguồn thực phẩm đậu nành không chứa đủ hàm lượng isoflavone cao để làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiêu thụ đủ vitamin D: Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này. Phụ nữ nên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo được bổ sung vitamin D. Các nguồn thực phẩm khác cung cấp vitamin D bao gồm lòng đỏ trứng, cá hồi, cá mòi có xương và ngũ cốc tăng cường vi chất. Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong 15 phút mỗi ngày cũng có thể hữu ích. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời qua cửa sổ kính, quần áo hoặc sau khi thoa kem chống nắng không giúp cơ thể hấp thụ vitamin D.
Không thuốc lá: Người trưởng thành không nên hút thuốc, người đang hút thì nên bỏ vì giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm về hô hấp và giảm nguy cơ ung thư vú.
Cho con bú: Cho con bú có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư vú. Phụ nữ cho con bú càng lâu thì tác dụng bảo vệ trước căn bệnh này càng lớn.
Đức Nguyên