Cá giàu axit béo omega-3, trà xanh chứa chất chống oxy hóa, trái cây như táo, dây tây, nho góp phần giảm nguy cơ ung thư phổi.
Thực phẩm không phải là phương pháp có thể chặn hoàn toàn bệnh ung thư phổi. Một người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nếu áp dụng đồng thời nhiều biện pháp như sống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, tránh tiếp xúc với tác nhân phóng xạ, ô nhiễm môi trường, hạn chế ăn thịt chế biến sẵn, bổ sung các món có lợi cho sức khỏe…
Dưới đây là một số thực phẩm có thể tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe tổng thể, góp phần phòng ngừa ung thư phổi.
Cá giàu vitamin D, omega-3, protein và chất béo lành mạnh. Tế bào ung thư trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình phân chia. Các hợp chất trong cá có thể ức chế một số bước của quá trình phân chia này.
Vitamin D hỗ trợ ức chế tế bào ung thư phổi, có nhiều trong cá béo như cá hồi, cá thu. Axit béo omega-3 giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ. Ăn 2-3 bữa cá béo mỗi tuần để tăng hiệu quả phòng ngừa bệnh, tốt cho sức khỏe.
Trà xanh chứa caffein, chất chống oxy hóa, các hợp chất như heaflavin, epigallocatechin-3-gallate (EGCG) góp phần chuyển hóa tế bào, ức chế tế bào ung thư phân chia.
Trà xanh không chỉ có vai trò phòng ngừa ung thư phổi phát triển mà còn mang lại lợi ích cho người mắc bệnh này. Người lớn có thể uống trà xanh mỗi ngày, khoảng 2-3 cốc nhỏ. Không uống trà xanh vào buổi chiều tối vì dễ mất ngủ.
Gừng chứa hợp chất 6-shogaol có thể ngăn ngừa sự phát triển của khối u phổi ác tính, giảm nguy cơ di căn. Gừng có đặc tính chống viêm, trong khi viêm có liên quan lớn đến bệnh ung thư. Thêm gừng vào các món ăn khi chế biến, pha vào đồ uống như trà gừng, gừng mật ong… cũng tốt cho sức khỏe.
Quả mọng gồm việt quất, mâm xôi, dâu tây, nho, chứa nhiều delphinidin. Hợp chất này có thể làm ức chế sự phát triển của khối u, hạn chế khả năng khối u tạo ra các mạch máu mới để mở rộng (còn gọi là hình thành mạch). Trong khi các khối u cần phát triển các mạch máu mới để phát triển và di căn.
Chất chống oxy hóa trong quả mọng là anthocyanidin còn góp phần ngăn ngừa hình thành cục máu đông (huyết khối).
Táo chứa lượng lớn hợp chất thực vật chống oxy hóa mạnh là flavonoid, có tác dụng chống viêm và tăng cường miễn dịch. Bổ sung khoảng 20 mg flavonoid mỗi ngày có thể giảm khả năng mắc bệnh ung thư phổi. Hàm lượng flavonoid cao nhất ở phần vỏ quả táo. Rửa sạch và ăn cả vỏ để tận dụng lợi ích của loại quả này.
Cà rốt cung cấp chất phytochemical gọi là axit chlorogen làm gián đoạn quá trình hình thành mạch, ngăn cản khối u tự tạo ra nguồn cung cấp máu để phát triển. Ngoài cà rốt, khoai tây và dứa cũng giàu các hợp chất này.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |