Năm 2023 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Canada khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973-21/8/2023). Trải qua nửa thế kỷ, mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Canada ngày càng phát triển tốt đẹp và rộng mở. Đây là nền tảng vững chắc để mở ra những chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Lễ Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/8/1973. Đến tháng 11/2017, hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ở thời điểm đó, việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với hai nước, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của các nhà lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ Việt Nam-Canada lên tầm cao mới, tạo cơ sở thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trên các bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Kể từ khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Canada ngày càng đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Theo Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang, trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì việc trao đổi đoàn cấp cao. Thủ tướng Justin Trudeau đã sang thăm Việt Nam và nhân dịp này, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Thủ tướng Việt Nam cũng đã dự Hội nghị Cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada năm 2018.
Cùng với việc gia tăng trao đổi đoàn cấp cao, hai nước còn duy trì tiếp xúc thường xuyên bên lề các hội nghị cấp cao, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Gần đây nhất, nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản, ngày 20/5/2023, tại thành phố Hiroshima, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Canada Justin Trudeau để trao đổi, thảo luận về hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, Việt Nam và Canada cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên duy trì cơ chế đối thoại chính trị thường niên ở cấp Thứ trưởng. Cùng với ngoại giao Nhà nước, quan hệ hợp tác, trao đổi kênh Đảng và Quốc hội và giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh. Năm 2021, Nhóm Nghị sĩ Việt Nam-Canada đã được thành lập và Nhóm Nghị sĩ Canada-Việt Nam ra đời năm 2022.
Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị-ngoại giao, hợp tác an ninh-quốc phòng Việt Nam-Canada cũng được thúc đẩy mạnh mẽ phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương giữa hai nước cũng diễn ra ngày càng sôi động và hiệu quả. Các tuần lễ văn hóa, các sự kiện giao lưu nhân dân thường xuyên được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam và Canada.
Mặt khác, hai bên hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên Hợp quốc, Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam luôn ủng hộ vai trò cầu nối của Canada với châu Á-Thái Bình Dương và hoan nghênh sự đóng góp của Canada cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực. Trong khi đó, các lãnh đạo Canada nhiều lần khẳng định Canada có lợi ích lâu dài tại châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam chính là đối tác quan trọng của Canada ở khu vực. Canada mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang. Ảnh: Trung Dũng/TTXVN
Về kinh tế, Đại sứ Phạm Vinh Quang cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Canada là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều luôn đạt mức tăng trưởng hai con số mỗi năm và đạt 7 tỷ USD trong năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm: dệt may, giày dép các loại, hàng thủy sản, máy vi tính, phương tiện vận tải và phụ tùng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Canada lúa mỳ, đậu tương, phân bón các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Cùng với thương mại, quan hệ trong lĩnh vực đầu tư cũng đạt những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2022, Canada đứng thứ 14 trong tổng số 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với gần 250 dự án trị giá gần 5 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam cũng đầu tư vào Canada, đạt 150 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Về hợp tác phát triển, kể từ năm 1990 đến nay, Canada luôn nằm trong nhóm nước hàng đầu về viện trợ phát triển cho Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ CAD.
Hợp tác quốc phòng an ninh cũng được phát triển với việc hai bên đã thiết lập Cơ chế Đối thoại Chiến lược Chính sách Quốc phòng thường niên và đang tích cực triển khai Kế hoạch Hợp tác Quốc phòng giai đoạn 2021-2023.
Hợp tác về giáo dục cũng là một điểm sáng. Hiện có khoảng 21.000 du học sinh Việt Nam theo học tại tất cả các cấp học ở Canada, đứng thứ 3 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Canada. Vào tháng 11/2021, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy cơ hội hợp tác giáo dục và trao đổi song phương giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền bang British Columbia.
Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng luôn được thúc đẩy. Hiện đã có các cặp địa phương kết nối, hợp tác với nhau như Hà Tĩnh-Langley (tỉnh bang British Columbia), Thành phố Hồ Chí Minh-Toronto (tỉnh bang Ontario), Đà Nẵng-Vancouver…/.
Khánh Dương