TPO – Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.
TPO – Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.
Trong đó, Chợ Bến Thành là công trình biểu tượng cho hoạt động thương mại của TPHCM. Với tổng diện tích khoảng 13.000 m2, Chợ Bến Thành được xây từ đầu năm 1912 và khánh thành vào tháng 3/1914. Chợ có 4 cổng được đặt theo các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và được giới hạn bởi các trục đường: Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang. Hơn 100 năm qua, Chợ Bến Thành luôn là điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách.
Chợ Bến Thành |
Trụ sở Cục Hải quan TPHCM là công trình kiến trúc cổ được xây vào khoảng năm 1885 ngay gần bến Bạch Đằng. Đây là công trình do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Alfred Foulhoux xây thiết kế, sau khi hoàn thành chính quyền Sài Gòn lựa chọn để đặt trụ sở Thuế và Hải quan suốt nhiều năm. Cùng với những công trình ven sông Sài Gòn, Trụ sở Cục Hải quan đã từng là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, nổi bật của đô thị Sài Gòn đầu thế kỷ 20.
Trụ sở Cục Hải quan TPHCM |
Trụ sở UBND quận 1 là công trình được xây vào năm 1876, gần Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TPHCM. Ban đầu công trình được xây dựng với mục đích làm CLB giải trí cho các sĩ quan cao cấp của thực dân Pháp nhưng sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng thêm một số hạng mục và đặt trụ sở Bộ Tư pháp tại đây. Sau ngày đất nước thống nhất, nơi đây trở thành trụ sở của UBND quận 1.
Trụ sở UBND quận 1 |
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (36, Võ Thị Sáu, quận 1) là công trình được xây dựng từ năm 1932. Trần Hưng Đạo (tên thật là Trần Quốc Tuấn) là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất thời Trần. Ông có công lớn trong việc chỉ huy quân đội đánh tan ba cuộc xâm lược của quân Mông – Nguyên thế kỷ 13. Sau khi mất, Trần Hưng Đạo đã được nhân dân cả nước tôn vinh là “Đức Thánh Trần” và lập đền thờ ở nhiều nơi. Cùng nhiều Đền thờ Đức Thánh Trần, đền thờ tại TPHCM là một trong những điểm đến tín ngưỡng linh thiêng của người dân trong các dịp Lễ Tết.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo |
Di tích Mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần là khu mộ được xây vào năm 1856. Đây là khu mộ chôn cất vợ chồng ông quan họ Trần giữ chức Thừa vụ lang của Ty kiểm duyệt bộ binh thời vua Tự Đức.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, khu mộ này có chất liệu vật liệu xây dựng rất độc đáo, đó là sự kết hợp của gạch, đá ong và hợp chất, vừa giữ vai trò kết dính và tô trát bề mặt kiến trúc. Kiểu thức trang trí chủ đạo là khắc vạch, đắp nổi. Hình thức mộ cũng khá đặc biệt, khác lạ hai bên hông mộ có đắp nổi đầu rùa nhìn về bình phong hậu. Đây là một công trình kiến trúc mộ cổ khá tiêu biểu ở tại TPHCM.
Khu mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần |
Tính đến cuối năm 2024, TPHCM đã có 193 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng. Trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia và 133 di tích cấp thành phố. Ngoài ra hiện thành phố còn có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa.
Nguồn: https://tienphong.vn/5-cong-trinh-o-tphcm-vua-duoc-xep-hang-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-post1695212.tpo