Thở bằng cơ hoành, thở bằng lỗ mũi luân phiên hỗ trợ thông mũi, giảm căng thẳng, cải thiện dung tích phổi.
Các hóa chất, ô nhiễm không khí, vi trùng có thể gây hại cho phổi. Bên cạnh duy trì thói quen ăn uống khoa học, tập luyện góp phần tăng chức năng phổi và phòng bệnh tốt hơn.
Thở bằng cơ hoành
Thở cơ hoành là thở sâu với sự tham gia của cơ hoành. Cơ hoành là một hàng rào cơ hình vòm nằm giữa khoang ngực và khoang bụng; ngăn cách tim, phổi với các cơ quan trong ổ bụng (dạ dày, ruột, lá lách, gan). Phương pháp giúp tăng cường chức năng của cơ hoành, phổi hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời người luyện tập có cảm giác bình tĩnh, thư giãn.
Để thực hiện, người tập tìm không gian yên tĩnh, thoải mái để ngồi hoặc nằm. Đặt một tay lên ngực, tay kia lên bụng, sau đó, hít vào từ từ bằng mũi. Lúc này bụng phồng lên khi cơ hoành co lại. Thở chậm bằng miệng, lặp lại quá trình này trong vài phút.
Thở mím môi
Thở mím môi là bài tập đơn giản, hỗ trợ cải thiện chức năng phổi, giảm khó thở.
Để thực hiện thở mím môi, người tập thư giãn cơ cổ, vai, từ từ hít vào bằng mũi trong hai lần đếm, giữ miệng đóng lại, mím môi như sắp huýt sáo. Sau đó, bạn thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua đôi môi mím. Bài tập có lợi cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn, giúp làm thông thoáng đường thở.
Thở bằng lỗ mũi luân phiên
Thở bằng mũi xen kẽ thúc đẩy sự cân bằng, thư giãn trong cơ, hỗ trợ làm thông mũi, giảm căng thẳng và cải thiện dung tích phổi.
Để thực hiện bài tập thở này, bạn ngồi thoải mái, thẳng cột sống; sử dụng ngón tay phải để đóng lỗ mũi phải, hít vào qua lỗ mũi trái, sau đó, dùng tay đóng lỗ mũi trái. Mở lỗ mũi phải và thở ra. Thực hiện trong khoảng 6 phút.
Hơi thở hộp
Thở hộp là hít vào trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, thở ra trong 4 giây, giữ hơi thở ra trong 4 giây. Mỗi bước trong kỹ thuật thở hộp mất một khoảng thời gian như nhau. Người thực hiện có thể giảm, tăng độ dài của mỗi bước, nhưng nên bắt đầu bằng cách dành 4 giây cho mỗi bước.
Thở hộp có thể giúp tỉnh táo đầu óc, tăng cường chức năng phổi. Khi tập thở, người tập giữ trạng thái thoải mái, không nhanh, không chậm. Lưu ý thở ra từ từ, giải phóng toàn bộ không khí ra khỏi phổi. Hít vào bằng mũi khi từ từ đếm đến 4, nín thở khi đếm đến 4, thở ra đếm thêm 4 lần nữa, giữ hơi thở một lần nữa để đếm đến 4, lặp lại trong 3-4 hiệp.
Kỹ thuật thở 4-7-8
Người tập hít vào trong 4 nhịp, giữ hơn thở trong 7 nhịp và thở ra trong 8 nhịp. Thực hành thở 4-7-8 giúp kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, chịu trách nhiệm cho hoạt động nghỉ ngơi và tiêu hóa, đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, ngủ ngon.
Lê Nguyễn (Theo Timesofindia)