Hà NộiSau kết luận thanh tra năm 2019, địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú, huyện Sóc Sơn phát sinh 139 trường hợp vi phạm đất rừng, hiện còn 45 công trình chưa bị xử lý.
Báo cáo thành phố công tác quản lý, xử lý vi phạm đất rừng, UBND huyện Sóc Sơn cho biết địa bàn huyện vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội năm 2019 và có thêm các trường hợp mới phát sinh những năm gần đây.
Cụ thể, xã Minh Trí còn 25 công trình, xã Minh Phú còn 8 công trình vi phạm được lập hồ sơ năm 2017 và 2018 chưa bị xử lý. Sau kết luận Thanh tra tiếp tục phát sinh 139 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng.
Huyện đã chỉ đạo hai xã xử lý 94 trường hợp, nhưng chưa xử lý dứt điểm 45 trường hợp xây dựng công trình, trong đó có một số công trình tại hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) và hồ Đồng Đò (xã Minh Trí).
Về xử lý các cá nhân liên quan vi phạm, huyện đã kỷ luật 11 cán bộ của hai xã, trong đó cách chức Chủ tịch xã Minh Phú, cảnh cáo Chủ tịch xã Minh Trí, khiển trách 2 Phó chủ tịch xã, 4 cán bộ đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và 3 công chức địa chính xã. Huyện cũng chuyển công tác Bí thư Đảng ủy xã Minh Trí.
Huyện Sóc Sơn cho rằng nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là bất cập trong quy hoạch rừng năm 2008. Quy hoạch rừng chồng lấn các loại đất hộ gia đình, đất quốc phòng, an ninh, đất công trình dự án, trụ sở cơ quan. Quá trình triển khai quy hoạch chưa có dự án tổng thể, cơ chế, chính sách để thực hiện giao đất, giao rừng, xác định ranh giới rừng và đất lâm nghiệp, đo đạc bản đồ địa chính đất rừng.
Bên cạnh đó, việc xử lý một số trường hợp vi phạm còn chậm do một số hộ dân có đơn khởi kiện và Tòa án nhân dân có văn bản áp dụng biện pháp khẩn cấp dừng thi hành quyết định hành chính.
Một số hộ dân có đơn thư khiếu nại nhiều lần đến xã, huyện và Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sau đó có văn chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế để giải quyết khiếu nại, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn.
Huyện Sóc Sơn cho biết có những hộ sinh sống, sản xuất trước thời điểm quy hoạch rừng năm 2008 nhưng không được đảm bảo quyền lợi do “quy hoạch không được thực hiện dứt điểm”. Từ đó dẫn đến hành vi vi phạm, tự ý xây dựng công trình trong quy hoạch rừng. Ngoài ra, còn có việc nhiều hộ dân ở nơi khác đến, lợi dụng người dân bản địa để vi phạm, trục lợi.
“Một bộ phận cán bộ thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, chậm phát hiện, báo cáo để xử lý kịp thời”, báo cáo nêu.
Để giải quyết dứt điểm vi phạm, huyện Sóc Sơn sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá hiện trạng rừng, thống kê bất cập để báo cáo thành phố, cập nhật vào quy hoạch chung Thủ đô, huyện, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008.
UBND huyện chỉ đạo hai xã Minh Phú, Minh Trí và các xã có rừng phân loại các trường hợp vi phạm còn tồn đọng để xử lý, kiên quyết xử lý vi phạm mới phát sinh ngay từ đầu. “Tiếp tục củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các vụ việc mua, bán chuyển nhượng đất rừng, chiếm đất và hủy hoại đất rừng”, UBND huyện Sóc Sơn cho hay.
Rừng phòng hộ Sóc Sơn có diện tích 4.557 ha trải rộng trên 10 xã gồm: Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược, Tân Minh và thị trấn Sóc Sơn. Việc xâm phạm đất rừng Sóc Sơn kéo dài nhiều năm qua.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Tại rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha.
Năm 2019, Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận chỉ ra hàng nghìn vụ vi phạm đất rừng phòng hộ. Riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn (Đồng Quan, Hàm Lợn, Đồng Đò…) trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Khoảng 40 cán bộ của huyện đã bị xử lý, công trình vi phạm bị phá dỡ.
Trong lúc chính quyền còn đang rà soát, bóc tách diện tích đất ở của người dân chồng lấn đất rừng phòng hộ để có cơ sở xử lý, nhiều công trình tiếp tục mọc lên trên đất quy hoạch rừng.
Võ Hải