Người cô đơn kéo dài có thể giảm chức năng ghi nhớ và học tập, dễ tiêu cực, ít tin tưởng vào người khác.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, cô đơn có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Khi cô đơn, não trong trạng thái cảnh giác, bị đe dọa, cản trở suy nghĩ và nhận thức.
Góp phần làm giảm nhận thức
Những thay đổi trong não có thể xảy ra khi con người cô đơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học New England, năm 2019, theo dõi sức khỏe 9 nhà thám hiểm sống cô độc ở Nam Cực, trong 14 tháng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một phần não của các nhà thám hiểm là hồi răng co lại khoảng 7%. Hồi hải mã gồm có hồi răng có liên quan đến học tập và trí nhớ.
Các nhà thám hiểm còn bị giảm lượng protein BDNF trong máu. BDNF là yếu tố dinh dưỡng thần kinh nguồn gốc từ não có vai trò điều chỉnh căng thẳng và trí nhớ. Giảm protein này cũng thể giảm thể tích hồi răng. Kết quả bài kiểm tra về trí nhớ, xử lý không gian của họ kém hơn.
Một nghiên cứu khác năm 2019 trên hơn 11.000 người của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London và Đại học Essex (Anh) cũng có phát hiện tương tự. Người có mức cô đơn cao bị giảm chức năng nhận thức trên mức trung bình khi thực hiện bài kiểm tra về trí nhớ.
Kích hoạt phản ứng thần kinh giống trạng thái thèm ăn
Cô đơn có thể kích hoạt phản ứng thần kinh trong não tương tự như lúc đói và muốn ăn. Năm 2020, các nhà thần kinh học của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) thực hiện nghiên cứu về cô đơn và cô lập xã hội ảnh hưởng đến não, tâm trí.
40 người 18-40 tuổi trải qua 10 giờ cách ly xã hội (mỗi người cách ly riêng) và chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) não. Sau đó, mỗi người nhịn ăn 10 giờ và chụp fMRI. Kết quả cho thấy, dấu hiệu thần kinh của người khi bị cô lập cảm thấy cô đơn giống với khi đói và thèm ăn. Hai trạng thái thần kinh của hai tình trạng này như nhau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi con người cô đơn, các vùng não gắn liền với cảm giác, suy ngẫm và căng thẳng sẽ sáng lên, cảnh báo cần kết nối xã hội nhiều hơn.
Dễ tiêu cực
Nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Chicago và Đại học California (Mỹ) trên 488 người chỉ ra cảm giác cô đơn khiến chúng ta dễ tiêu cực. Các thí nghiệm chụp fMRI cho thấy não bị kích hoạt nhiều hơn để phản ứng với tác nhân tiêu cực hơn là tích cực khi cô đơn. Đây là phản ứng tự bảo vệ của não.
Theo nghiên cứu năm 2020 của Trường Công tác xã hội Mỹ, người cô đơn thường cảnh giác quá mức trước mối đe dọa tiềm ẩn. 7.500 người lớn tuổi tham gia nghiên cứu trả lời câu hỏi khảo sát. Câu trả lời cho thấy người cô đơn có xu hướng bị tổn thương, hành động tiêu cực hơn. Từ đó họ càng cô lập với mọi người xung quanh. Kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể tạo thành vòng luẩn quẩn.
Ít tin tưởng người khác
Người cô đơn thường cảnh giác hơn với mối đe dọa xung quanh, dẫn đến mất lòng tin vào người khác. Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Bonn (Đức) thực hiện thử nghiệm với hơn 3.600 người trưởng thành, trong đó có 42 người thường xuyên cô đơn. Cụ thể, người tham gia được cho một số tiền, số tiền sẽ được nhân lên nếu họ cho đi và người được cho trả lại.
Kết quả cho thấy người cô đơn ít chia sẻ với người khác hơn. Chụp fMRI não ghi nhận người cô đơn ít hoạt động hơn ở các phần não liên quan đến lòng tin.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |