Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Chợ Mới – Bắc Kạn, Dầu Giây – Tân Phú, Cao Lãnh – Rạch Sỏi dự kiến được khởi công xây dựng năm 2024.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) dài 93 km sẽ khởi công ngày 1/1/2024, giai đoạn một có tổng mức đầu tư 14.300 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu tuyến đường tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3, xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn một, cao tốc được thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 17 m; đoạn địa hình khó khăn, mặt đường rộng 13,5 m. Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn 24 năm 10 tháng.
Do triển khai trên địa bàn miền núi, lưu lượng xe dự báo thấp, nhiều năm qua dự án gặp khó khăn huy động nguồn vốn đầu tư. Cuối tháng 11, Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho dự án bằng cách nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% (thay vì 50% theo Luật PPP). Đây là dự án PPP đầu tiên có tỷ lệ vốn nhà nước đóng góp trên 50%.
Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh dự kiến được bố trí ngân sách trung ương 5.720 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và huy động hơn 4.360 tỷ đồng. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam – Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả – Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư được tỉnh Cao Bằng lựa chọn.
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn còn 2,5-3 giờ. Công trình hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận tải đến các tỉnh miền núi phía đông bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8 km, điểm đầu kết nối đường Thái Nguyên – Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; điểm cuối giao quốc lộ 3B, kết nối dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Dự án quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22 m, mặt đường rộng 20,5 m, tốc độ thiết kế 80 km/h, một số đoạn địa hình thuận lợi có tốc độ 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.750 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 490 tỷ đồng, còn lại chi phí tư vấn, dự phòng.
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn sẽ kết nối tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở phía đông bắc của Tổ quốc.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60 km, tốc độ thiết kế 100 km/h, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của nhà đầu tư và vốn doanh nghiệp khoảng 7.065 tỷ đồng, nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đây là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km, nhằm kết nối TP HCM với các tỉnh Tây Nguyên. Hai dự án thành phần còn lại trên tuyến này là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương cũng đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư với tổng vốn lần lượt là 19.500 và 12.500 tỷ đồng.
Tuyến Dầu Giây – Tân Phú sẽ kết nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía tây đồng bằng sông Cửu Long từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) theo quy mô cao tốc. Trong đó, đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ (Cần Thơ) dài khoảng 28,8 km, có vốn đầu tư 950 tỷ đồng. Đường hiện hữu sẽ được tiến hành bù vênh và thảm tăng cường mặt đường bằng bêtông nhựa, xây dựng đường gom tại một số đoạn, hoàn chỉnh các nút giao để tổ chức lại giao thông, khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Tuyến đường dài 51,5 km, hiện tại quy mô 4 làn xe, sẽ được thảm tăng cường mặt đường bằng bêtông nhựa, mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp hiện có, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2024 dự kiến có 19 dự án giao thông sẽ được khởi công. Ngoài 4 dự án trên, các dự án được khởi công như đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn (Thái Nguyên, Tuyên Quang); dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên – Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; mở rộng quốc lộ 46 đoạn TP Vinh – thị trấn Nam Đàn (Nghệ An); dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại đồng bằng sông Cửu Long; quốc lộ 4B Lạng Sơn.
Vnexpress.net