Người bị đau lưng nhẹ có thể kiểm soát bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà, nếu tình trạng nghiêm trọng hơn nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau lưng là tình trạng đau thắt hay đau âm ỉ tại vùng lưng trên và/hoặc vùng lưng dưới. Mức độ và thời gian diễn ra cơn đau khác nhau ở từng người. Một số người chỉ đau vài ngày, có trường hợp cần đến vài tháng để triệu chứng đau cứng lưng, khó vận động… biến mất hoàn toàn.
ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết người đau lưng nhẹ có thể áp dụng những biện pháp giảm đau tại nhà dưới đây.
Nghỉ ngơi
Khi cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới sinh hoạt, người bệnh nên dừng ngay mọi hoạt động đang làm và nghỉ ngơi tại chỗ. Biện pháp này giúp giảm áp lực lên cột sống và các mô mềm cạnh sống, cải thiện tình trạng căng cơ để giảm đau hiệu quả.
Chườm ấm
Nhiệt độ cao có thể giúp làm ấm và thư giãn cơ lưng, cột sống và dây thần kinh, hỗ trợ máu lưu thông tốt hơn. Nhờ đó, người bệnh cải thiện tình trạng căng cơ và đau lưng, khôi phục tầm vận động. Biện pháp này còn giảm viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương xương khớp. Người bệnh nên chườm ấm đều đặn 2-3 lần một ngày, 20 phút một lần.
Chườm lạnh
Chườm lạnh là phương pháp giúp giảm sưng đau hiệu quả, nhất là trong vòng 72 giờ từ khi cơn đau lưng xuất hiện hoặc xảy ra chấn thương. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hay một chiếc khăn bọc đá lại rồi chườm lại vị trí đau khoảng 3 lần một ngày, mỗi lần từ 15-20 phút.
Massage
Lực tác động từ bàn tay lên lưng có thể giúp lưu thông kinh mạch, khí huyết; thư giãn cột sống, cơ và các dây thần kinh, từ đó, chữa lành các tổn thương và cải thiện đau nhức ở lưng. Massage phù hợp cho người bệnh đau lưng do làm việc quá sức, ngồi sai tư thế, căng cơ.
Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ người bệnh đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm nên đến thăm khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc như thuốc giảm đau (dạng uống hoặc bôi lên da), thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ…
Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ thiết lập chương trình vật lý trị liệu riêng. Các bài tập căng cơ và phục hồi chức năng giúp tăng cường sức mạnh của cơ, thư giãn và tăng sự linh hoạt cùng độ bền cho hệ cơ xương khớp. Các bài tập này còn giảm đau, tăng lưu thông máu và giải nén dây thần kinh; hạn chế tái phát các cơn đau lưng, giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp, duy trì và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh.
Đa số các trường hợp đau lưng cấp tính không cần phải điều trị phẫu thuật. Phương pháp này thường được áp dụng nếu nguyên nhân gây đau lưng là do hẹp ống sống, gãy xương, thoát vị đĩa đệm, dị tật bẩm sinh ở cột sống, dây thần kinh tủy sống bị chèn ép, cấu trúc xương khớp bất thường khiến tầm vận động bị hạn chế, có nguy cơ yếu cơ và bại liệt…
Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo đau lưng là một tình trạng có thể phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát nếu người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh. Người bệnh nên duy trì thói quen rèn luyện thể chất mỗi ngày để tăng độ chắc khỏe và linh hoạt cho hệ cơ xương khớp, hạn chế tình trạng làm việc và vận động gắng sức, nhất là người từng bị đau lưng. Đảm bảo tư thế đúng trong lao động, học tập, tập thể dục thể thao; dinh dưỡng cân đối; bỏ hút thuốc lá; hạn chế mang giày cao gót… cũng cần thiết.
Phi Hồng