Thể dục nhịp điệu, bài tập cơ bắp, giữ thăng bằng và yoga có thể giúp kiểm soát bệnh thần kinh liên quan tiểu đường.
Bệnh thần kinh tiểu đường là tổn thương thần kinh đối với các tế bào trong cơ thể, thường biểu hiện ở bàn chân và bàn tay do lượng đường trong máu cao kéo dài. Tăng đường huyết kéo dài ở người bệnh tiểu đường làm thiếu lưu lượng máu và oxy đến các dây thần kinh ở xa, khó tiếp cận càng ngày gây thêm tổn thương và chết tế bào.
4 bài tập dưới đây có thể giảm thiểu rủi ro tổn thương thần kinh, giúp người tiểu đường kiểm soát bệnh.
Tập thể dục nhịp điệu
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), tập thể dục nhịp điệu với những động tác nhẹ, tác động thấp đến nhịp tim có thể giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu, cải thiện sức khỏe thần kinh.
Để tăng cường lưu lượng máu đến các dây thần kinh, ngăn ngừa vết trầy xước, vết phồng rộp tổn thương lâu lành, người tiểu đường nên tập các bài tập và thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, ít tác động hơn như bơi lội và đạp xe. Dù bạn chọn bài tập nào, hãy cố gắng thực hiện ít nhất 30 phút mỗi lần và 5 lần mỗi tuần.
Bài tập rèn luyện sức mạnh
Cơ bắp, insulin và sức khỏe mạch máu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh cơ bắp giúp máu lưu thông nhiều hơn đến các chi. Khi cơ bắp hoạt động tiêu thụ glucose giúp giảm lượng đường trong máu. Điều này làm giảm tổn thương tế bào và kiểm soát bệnh thần kinh tiểu đường.
Các bài tập rèn luyện sức mạnh bạn có thể tập như: nâng tạ, đẩy tạ, các bài tập tăng cường sức mạnh cho chân, tay, cơ vai… Theo ADA, người bệnh nên thực hiện các bài tập sức mạnh ít nhất hai lần mỗi tuần, bên cạnh các bài tập tim mạch.
Bài tập giữ thăng bằng
Bệnh thần kinh tiểu đường làm tổn thương chức năng thần kinh và cảm giác ở bàn chân giảm, tăng nguy cơ té ngã. Theo nghiên cứu của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), người mắc bệnh thần kinh tiểu đường, nhất là người lớn tuổi có nguy cơ bị ngã cao gấp 2-3 lần so với người không mắc bệnh. Các bài tập thăng bằng giúp rèn luyện cơ bắp và làm cho các tế bào thần kinh phụ trách cân bằng hoạt động đúng cách. Đó là các bài tập như đứng thẳng bằng một chân, bài tập rèn luyện sức mạnh cho cẳng chân, bàn chân. Ví dụ, thực hiện các bài tập một chân, bám vào tường hoặc một vật chắc chắn để giữ thăng bằng, tập đi bằng ngón chân theo một đường thẳng, plank….
Luyện thân tâm
Các bài tập luyện thân tâm như yoga, thái cực quyền, thiền tích cực… có thể giúp ích cho hệ thống thần kinh. Theo nghiên cứu của Đại học Y Utah (Mỹ), yoga có lợi trong việc kiểm soát các rối loạn thần kinh khác nhau, gồm cả bệnh thần kinh liên quan bệnh tiểu đường. Theo đó, yoga giúp giảm mức độ căng thẳng, huyết áp và chứng viêm. Tất cả đều ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường. Ngoài ra, yoga cũng có thể tác động đến nhịp tim và xây dựng cơ bắp. Người bệnh có thể tập luyện cơ bắp, sau đó là tham gia một lớp yoga để giảm căng thẳng, thư giãn và luyện tâm trí.
Mai Cat (Theo Everyday Health)