Bỏ nhân thịt mỡ, ăn kèm dưa góp hoặc hành muối, ăn miếng nhỏ và tránh chiên rán là những mẹo ăn bánh chưng giúp hạn chế tăng cân.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món ăn như bánh chưng. Tuy nhiên, món này lại chứa nhiều năng lượng, chất béo, bột đường, không tốt cho sức khỏe.
Bánh chưng làm từ gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp (khoảng 400-500 g gạo), 100 g gạo nếp có 344 kcal. Như vậy, một chiếc bánh chưng chứa khoảng 1.500-1.700 kcal, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh.
Về hàm lượng các chất dinh dưỡng, 100 g bánh chưng thành phẩm cung cấp 181 kcal; 4,3 g chất đạm; 4,2 g chất béo; 31,6 g chất bột đường; 0,6 g chất xơ; 26 g canxi; 0,94 g sắt; 1,4 g kẽm.
Một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa, chia 8 miếng, cung cấp 204 kcal, 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo và 33,9 g chất bột đường. Trong khi đó một bát cơm trắng cung cấp khoảng 180-200 kcal.
Chuyên gia hướng dẫn cách ăn bánh chưng hạn chế tăng cân dịp Tết, như sau:
Bỏ nhân thịt mỡ
Với những người sợ béo, tăng đường huyết, khi ăn bánh chưng có thể bỏ nhân thịt mỡ, thay thế bằng các loại đậu, như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, tốt cho sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, nên ăn ít hoặc ăn miếng nhỏ, đồng thời tránh tiêu thụ bánh chưng rán quá nhiều. Nếu lo ngại tăng cân nhiều khi ăn bánh chưng ngày Tết thì chị em nên giảm bớt một bát cơm so với thông thường.
Nếu tính được tổng lượng calo nạp vào trong ngày từ các món ăn là tốt nhất. Người trưởng thành trung bình cần 2.000 calo một ngày, chia ba bữa. Ngày Tết, nhu cầu về hoạt động thể chất ít hơn. Với những ai không muốn tăng cân hoặc duy trì cân nặng, chỉ nên ăn bằng 80% mức năng lượng cần thiết.
Ăn bánh chưng kèm dưa góp
Dưa góp, hành muối kích thích tiêu hóa, như vậy sẽ hạn chế sự tích tụ mỡ thừa, đồng thời giúp cơ thể no lâu, giảm thiểu nhu cầu ăn uống. Ngoài ra khi ăn bánh chưng mọi người cần tăng cường các món giàu chất xơ, vitamin như trái cây, rau xanh để cân đối tỷ lệ dinh dưỡng và chống ngán.
Bên cạnh đó, mọi người không nên ăn vào buổi tối. Để duy trì cân nặng hiệu quả, bạn cần kiểm soát chế độ ăn, chỉ nên ăn đủ đến khi hết cảm giác đói chứ không nên ăn quá no. Thêm vào đó, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ để cơ thể có thể nhận cảm giác đủ và không muốn ăn thêm nữa.
Người bệnh mắc bệnh lý về chuyển hóa như thừa cân, béo phì, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… nên hạn chế ăn.
Thúy Quỳnh