15 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng châu Á năm 2024 của QS, trong đó 4 trường lần đầu góp mặt.
Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) ngày 8/11 công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 857 trường. Việt Nam có 15 đại diện.
Trường Đại học Duy Tân có thứ hạng cao nhất – 115, tăng 30 bậc so với năm ngoái. Top 200 còn có trường Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 138) và Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 187). Đại học Quốc gia TP HCM năm ngoái xếp hạng 167 nhưng năm nay tụt xuống vị trí 220.
Có 4 trường lần đầu góp mặt gồm Đại học Nguyễn Tất Thành, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Giao thông vận tải và Văn Lang. Trong số này, trường Đại học Nguyễn Tất Thành được xếp vào nhóm 291-300, ba trường kia lần lượt trong nhóm 401-450, 651-700, 701-750.
Các cơ sở đào tạo còn lại chủ yếu bị tụt hạng, như Đại học Bách khoa Hà Nội từ hạng 248 xuống nhóm 401-450, Sư phạm Hà Nội từ nhóm 601-650 xuống 801+.
TT | Trường | Hạng năm 2024 | Hạng năm 2023 |
1 | Đại học Duy Tân | 115 | 145 |
2 | Đại học Tôn Đức Thắng | 138 | 138 |
3 | Đại học Quốc gia Hà Nội | 187 | 162 |
4 | Đại học Quốc gia TP HCM | 220 | 167 |
5 | Đại học Nguyễn Tất Thành | 291-300 | – |
6 | Đại học Kinh tế TP HCM | 301-350 | 401-450 |
7 | Đại học Huế | 351-400 | 351-400 |
8 | Đại học Bách khoa Hà Nội | 401-450 | 248 |
9 | Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM | 401-450 | |
10 | Đại học Đà Nẵng | 501-550 | 501-550 |
11 | Đại học Cần Thơ | 651-700 | 551-600 |
12 | Đại học Giao thông vận tải | 651-700 | – |
13 | Đại học Văn Lang | 701-750 | – |
14 | Đại học Công nghiệp TP HCM | 751-800 | – |
15 | Đại học Sư phạm Hà Nội | 801+ | 601-650 |
QS (Anh) là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của THE (Anh) và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Trong 857 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng lần này, 149 trường lần đầu góp mặt.
Kết quả xếp hạng được QS dựa trên 11 chỉ số. Trong đó, ý kiến đánh giá của học giả và của nhà tuyển dụng có trọng số cao nhất, lần lượt là 30 và 20%. Còn lại là tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), số bài báo khoa học/giảng viên (5%), tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%).
QS cho biết đã sử dụng phản hồi của 2,1 triệu học giả và 617.000 bình chọn từ nhà tuyển dụng trên toàn thế giới, phân tích hơn 141,6 triệu trích dẫn (giai đoạn 2017-2022) từ 17,6 triệu bài báo khoa học. Ngoài ra, QS phân tích dữ liệu của các trường đăng ký tham gia xếp hạng.
Trung Quốc áp đảo trong top 10 của bảng xếp hạng với 6 đại diện, gồm Đại học Bắc Kinh (xếp hạng 1), Đại học Hong Kong (2), Thanh Hoa (4), Chiết Giang (6), Phúc Đán (7), Đại học Trung Văn Hong Kong (10). Bốn trường còn lại đến từ Singapore và Hàn Quốc, là Đại học Quốc gia Singapore (3), Công nghệ Nanyang (4), Đại học Yonsei (8) và Đại học Hàn Quốc (9).
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Đại học Malaya (Malaysia) có vị trí cao nhất – hạng 11.