Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 03 Quyết định trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho 133 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021, 2022 và 2023. Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 – 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024 tại Hà Nội.
Đó là thông tin được Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố sáng 12/12 tại buổi họp báo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021 – 2023. 133 doanh nghiệp được trao Giải thưởng chất lượng Quốc gia đều là những đơn vị có đóng góp vượt trội.
Cụ thể, trong 3 năm từ năm 2021 đến năm 2023, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia vẫn thu được những kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất – kinh doanh. Ước tính doanh thu của các doanh nghiệp đạt giải là hơn 500.000 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 36.000 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 32.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 170.000 lao động.
Điều đáng ghi nhận là, đã có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong số các doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia của các năm 2019 – 2020 được Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQO) với giải cao nhất (World Class Award) trong loại hình doanh nghiệp sản xuất lớn. Đó là, Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH và Công ty Cổ phần Nước Giải khát Yến sào Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Được biết, sau 28 năm tổ chức, đã có 2.163 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó có 332 doanh nghiệp đạt giải Vàng, 139 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, đã có 55 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh ở cấp độ quốc tế và được tặng Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA).
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Xuân Định, qua 28 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các tổ chức/doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội.
Đồng thời, tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp xuất sắc, duy trì ổn định một cách toàn diện và khẳng định được vị thế cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, nhờ quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tối ưu và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, sau đại dịch Covid – 19, các doanh nghiệp của Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng sự nỗ lực của chính mình cùng sự đồng hành của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững và tạo đà phát triển. Các doanh nghiệp tiếp tục đạt được những thành công, không chỉ trong tổng thể các kết quả nói chung mà còn về cả năng suất và chất lượng sản phẩm.
Giải thưởng này là cơ hội để các doanh nghiệp đạt được sự thành công bền vững, được tôn vinh và ghi nhận một cách xứng đáng. Thứ trưởng Lê Xuân Định hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, giúp cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Để Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào năng suất – chất lượng, Thứ trưởng đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Cơ quan Thường trực của Giải thưởng, tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Một là, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận giải thưởng như một công cụ quan trọng, để đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế. Thông qua các tiêu chí giải thưởng, doanh nghiệp có thể phát hiện ra các điểm cần cải thiện, từ đó làm cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng phát triển bền vững. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ áp dụng mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia vào quản trị doanh nghiệp.
Hai là, tổ chức các buổi chia sẻ những cách làm hay, những kết quả ổn định và xuất sắc của các doanh nghiệp được vinh danh đến với cộng đồng. Đây cũng chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp đoạt giải, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm và thành công để cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.
Về tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp được đánh giá dựa vào 7 tiêu chí và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. Giải thưởng gồm 2 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Bảy tiêu chí có tổng điểm là 1.000. Trong đó vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm). Nếu tổng điểm trên 600 đạt giải thưởng Chất lượng và trên 800 sẽ giành giải Vàng – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Việc đánh giá và tuyển chọn Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh/thành phố và Hội đồng Quốc gia. Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề xuất, Hội đồng Quốc gia lựa chọn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. hằng năm.
Là doanh nghiệp từng nhiều lần nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, đại diện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) cho biết, tham dự Giải thưởng Chất lượng quốc gia với bảy tiêu chí chuẩn mực, được xây dựng dựa vào mô hình và các tiêu chí của các quốc gia tiên tiến đã mang lại cho Nhựa Tiền Phong cơ hội nhìn nhận lại những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó có những biện pháp cải tiến năng suất chất lượng, hoàn thiện các hệ thống quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021 – 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024 tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội). Lễ trao sẽ được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tường thuật trực tiếp.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan và đại diện các doanh nghiệp đạt Giải.
Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội (tháng 8/1995), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông báo về việc thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam chuyển đổi thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp tham dự được chia thành 4 loại hình: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn và Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
Nguồn: https://danviet.vn/133-doanh-nghiep-nhan-giai-thuong-chat-luong-quoc-gia-dat-doanh-thu-500000-ty-co-2-ong-lon-nong-nghiep-20241212182204201.htm