Reuters cho biết 14 tàu chở dầu Sokol (Nga) vẫn đang lênh đênh trên biển và chưa giao được cho khách hàng vì vấn đề thanh toán.
Nguồn tin của Reuters cho biết 14 tàu chở 10 triệu thùng dầu Sokol của Nga vẫn đang mắc kẹt ngoài khơi Hàn Quốc nhiều tuần qua. Nguyên nhân là số dầu này đến nay vẫn chưa bán được, do các lệnh trừng phạt của Mỹ và vấn đề thanh toán.
Cuối tháng 12/2023, Reuters đưa tin việc giao dầu Sokol cho hãng dầu quốc doanh Ấn Độ – Indian Oil Corp đang bị trì hoãn vì vấn đề thanh toán. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đã thống nhất trả tiền cho dầu Nga bằng đồng dirham UAE.
Tuy nhiên, việc thanh toán của IOC bị chậm trễ do công ty điều hành dự án Sakhalin-1 chưa thể mở tài khoản tại ngân hàng ở UAE để nhận tiền, nguồn tin của Reuters cho biết. Sakhalin-1 hiện là nhà cung cấp dầu Sokol cho IOC.
Việc này buộc các hãng lọc dầu Ấn Độ phải lấy dầu từ kho dự trữ và mua thêm từ Trung Đông. Nguồn tin từ IOC cũng cho biết công ty này không kỳ vọng sớm nhận được hàng.
Số dầu Sokol đang lênh đênh trên biển tương đương 1,3 triệu tấn dầu, bằng một tháng sản lượng của Sakhalin-1. Đây từng là dự án hợp tác hàng đầu giữa doanh nghiệp Nga và đại gia dầu khí Mỹ Exxon Mobil. Tuy nhiên, Exxon đã rút khỏi Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022. Sản lượng vì thế giảm xuống gần 0 và đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
Tính đến ngày 26/1, 14 tàu chở dầu Sokol đang bị kẹt quanh cảng Yosu (Hàn Quốc). Trong đó có 11 tàu Aframax (tàu dầu có kích cỡ trung bình) và 3 tàu VLCC (tàu chở dầu loại rất lớn), theo các hãng dữ liệu LSEG, Kpler và các nhà buôn.
Nguồn tin của Reuters cho biết 3 tàu VLCC hiện có 3,2 triệu thùng dầu, đóng vai trò là kho chứa nổi cho dầu Sokol. Các tàu này trước đó nhận dầu từ một số tàu Aframax. Việc chuyển dầu từ tàu nhỏ sang tàu to có thể giúp tiết kiệm phí vận chuyển.
Với 11 tàu Aframax còn lại, số dầu Sokol được đưa lên từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024.
Giới phân tích nhận định khó khăn trong việc bán dầu Sokol là một trong những thách thức lớn nhất mà Moskva phải đối mặt kể từ khi phương Tây áp lệnh trừng phạt. Đây cũng là một trong những gián đoạn nghiêm trọng nhất của dầu Nga xuất khẩu trong 2 năm qua. Sokol là một trong 3 loại dầu hàng đầu của Nga, bên cạnh Urals và ESPO.
Washington cho biết muốn trừng phạt để giảm nguồn thu của Nga, ngăn nước này cấp tài chính cho chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây cũng không muốn gây gián đoạn dòng chảy năng lượng Nga trên toàn cầu. Năm ngoái, Mỹ áp trừng phạt lên một số tàu và doanh nghiệp tham gia vận chuyển dầu Sokol của Nga.
Hà Thu (theo Reuters)