Tổn thương da do nhiều nguyên nhân, thường lành tính, có thể tự khỏi, nhưng có không ít tổn thương mạn tính, điều trị khó.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết tổn thương da có thể là kết quả của chấn thương, cháy nắng, viêm da tiếp xúc hoặc biểu hiện của nhiễm trùng, bệnh tự miễn, di truyền. Dù hầu hết các tổn thương da đều lành tính và vô hại, một số trường hợp có thể phát triển thành ung thư da. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra tổn thương da thường gặp.
Chàm
Chàm là bệnh viêm da rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường không gây đau nhưng gây ngứa, đỏ, khô và kích ứng. Một số loại chàm, chẳng hạn như viêm da tiếp xúc, gây cảm giác nóng rát và khó chịu.
Vảy nến
Vảy nến là một dạng rối loạn khiến các tế bào sừng bị kích thích, nhân lên nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Vảy nến có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở: khuỷu tay, đầu gối, mặt, bên trong miệng, da đầu, lòng bàn tay, chân…
Ung thư da
Ung thư da liên quan đến sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong mô da. Bệnh có thể lan sang các mô hoặc những khu vực khác trong cơ thể nếu không được phát hiện sớm. Nguyên nhân chính gây ung thư da do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời.
Herpes simplex
Virus Herpes simplex (HSV) là một loại virus thích da và thần kinh, bệnh gây nhiễm trùng tái phát, ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục. Ngoài ra, bệnh còn gây các biến chứng nhiễm trùng nặng: viêm não, viêm màng não, herpes sơ sinh.
Bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa (hay chàm tổ đỉa) là một loại chàm khá phổ biến ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Bệnh làm xuất hiện những mụn nước nhỏ có chứa dịch ở các ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và bàn chân.
Ghẻ
Ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, gây ngứa dữ dội. Bệnh lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc gần giữa người với người.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là tình trạng da khô, ngứa, viêm, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ và có liên quan đến yếu tố di truyền (gen).
Ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp và sản xuất vitamin D. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng có thể gây tổn thương da. Những tổn thương thường thấy như: cháy nắng, lão hóa da, dày sừng ánh sáng, ung thư da, thậm chí làm trầm trọng thêm các bệnh về da.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến việc duy trì một làn da khỏe mạnh. Tiêu thụ quá nhiều chất béo, đường tinh luyện, thức ăn chế biến sẵn là những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến làn da.
Hóa chất mỹ phẩm
Tổn thương da do tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm là tình trạng cơ thể dị ứng với nguyên liệu làm ra hóa mỹ phẩm, nhất là hương liệu (chất tạo mùi thơm). Các triệu chứng thường thấy: nóng rát, đỏ, ngứa, khó chịu.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích chia sẻ, tổn thương da do nhiều nguyên nhân. Khi trên da xuất hiện những tổn thương, người bệnh nên đến gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ da để kiểm tra tình trạng lành hay ác tính, từ đó điều trị sớm, tránh những biến chứng không mong muốn.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên lưu ý không dùng những loại dung dịch hay điều trị theo các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, vì có thể gây nhiễm trùng. Không tự ý sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh, thuốc chống viêm steroid. Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: hạn chế rượu bia, chất kích thích, tăng cường rau xanh và trái cây, luyện tập thể dục thể thao… Chăm sóc những tổn thương trên da theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyễn Vân