Ngày 6.9, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các dự án bảo vệ môi trường.
Theo đó, sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – Sở giao dịch II cho vay với lãi suất ưu đãi cho các dự án bảo vệ môi trường do Tổng Tông ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) làm chủ đầu tư. Đối với công ty và người có liên quan của BIWASE hạn mức vay không vượt quá 16.000 tỉ đồng.
Đây được xem là nguồn “tín dụng xanh” để doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có dự án phát triển nước sạch cho người dân, công nhân lao động.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đối với các tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị mạnh, thì việc “đi trước, đón đầu” để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường rất quan trọng.
Những năm gần đây, Bình Dương đã chủ động huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ODA để xây dựng dự án xử lý nước thải, xử lý rác, biến rác thành điện năng…
Các dự án được triển khai nhanh ở tỉnh phát triển công nghiệp, đã góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường của hoạt động sản xuất công nghiệp. Các khu vực đông dân cư, người lao động như thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên… môi trường đang được dần cải thiện.
Nhiều dự án bảo vệ môi tường thành công nhờ nguồn vốn vay
Bình Dương đã có các dự án bảo vệ môi trường quy mô lớn được đưa vào hoạt động cũng sử dụng nguồn vốn vay như: Nhà máy nước thành phố Dĩ An do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ vốn, nhà máy nước thành phố mới Bình Dương do Hà Lan và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tài trợ vốn.
Ngoài ra còn có các dự án sử dụng vốn vay khác như 4 nhà máy xử lý nước thải công suất 90.000 m3/ngày đêm, nhà máy đốt rác phát điện 5 MW, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ từ rác công suất 840 tấn/ngày…
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/10000-ti-dong-phat-trien-nguon-nuoc-sach-tai-binh-duong-1390316.ldo