Lời phát biểu kêu gọi của ông Zelenskyy diễn ra khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp đánh dấu tròn 2 năm và trong bối cảnh Kiev vừa thất thủ và phải rút khỏi thị trấn trọng điểm Avdiivka ở chiến trường phía đông nước này.
Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng do viện trợ quân sự của Mỹ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng. Ông Zelenskyy cho biết rằng việc gửi thêm vũ khí và hệ thống phòng không tới Ukraine là điều quan trọng nhất mà các đồng minh có thể làm. “Nếu pháo của bạn tầm bắn là 20 km, nhưng của Nga là 40 km, thì bạn đã có câu trả lời”, ông nói.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu hứa hẹn sẽ giúp đỡ Ukraine. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói: “Lẽ ra chúng tôi phải hỗ trợ các bạn nhiều hơn nữa ngay từ đầu cuộc chiến này, bởi vì Ukraine không thể thắng trong cuộc chiến nếu không có vũ khí. Lời nói thôi là chưa đủ”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng lẽ ra châu Âu nên bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng từ hai năm trước. Cùng với Ukraine, Hội nghị An ninh Munich còn tập trung vào cuộc chiến ở Gaza.
Sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ đang tạo thêm gánh nặng cho châu Âu, đặc biệt là Đức – nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine. Berlin cho biết cho đến nay họ đã cung cấp và cam kết viện trợ khoảng 28 tỷ euro (30,2 tỷ USD) cho Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Bảy đã bỏ qua các câu hỏi về việc có nên cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kyiv hay không, mặc dù ông đã kêu gọi các nước châu Âu khác tăng cường hỗ trợ quân sự như Berlin.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết đất nước của ông sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái, nước này lần đầu tiên đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2026.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết Ukraine phải được tích hợp vào các chương trình phòng thủ của châu Âu vì Nga đang “vượt trội Ukraine” về số lượng binh lính và khí tài quân sự.
Bùi Huy (theo AP, Reuters)